Chuẩn bị giảng dạy với sách giáo khoa mới
Năm học 2024-2025, chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 5, 9 và 12 sẽ được thay mới. Đây là bộ sách cuối cùng trong tổng số 12 bộ SGK mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Hiện các trường đang tăng cường phối hợp với hệ thống nhà xuất bản tổ chức tập huấn và bồi dưỡng, nhằm hướng dẫn sử dụng hiệu quả SGK mới.
Tâm thế sẵn sàng
Thời điểm này, giáo viên cả nước đã có 5 năm để tiếp cận với Chương trình GDPT 2018. Với tâm thế rất rõ ràng, đội ngũ giáo viên đã biết được mình cần làm gì để nắm bắt được chương trình, SGK mới, cũng như có những tìm tòi sáng tạo trong phương pháp dạy và học.
Với sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm triển khai bồi dưỡng trực tuyến tới 100% giáo viên giảng dạy và cán bộ quản lý, các trường đang tăng cường công tác tập huấn SGK cho các lớp 5, 9 và 12. Từ giữa tháng 7, Trường THCS Tô Vĩnh Diện, Đống Đa, Hà Nội đã bắt đầu tập huấn SGK lớp 9 với các môn như Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên... Các bộ SGK lớp 9 đều có sự tiếp nối từ bộ SGK lớp 6, 7, 8 về mặt cấu trúc bài học, thể loại văn bản, chủ đề bài học và có sự mở rộng thêm ở tiểu loại văn bản nhằm hướng tới dạy học sinh về cách học, phương pháp học chứ không chạy theo nhồi nhét nội dung, không nặng về lý thuyết. Việc rèn luyện và thực hành các kỹ năng cũng đi theo quy trình, khuyến khích giáo viên sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học theo yêu cầu mở: Hiện đại, phù hợp và khả thi.
Chương trình tập huấn sách giáo khoa của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. |
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có 102 học sinh lớp 5. Nhà trường đã chủ động phân công giáo viên tham gia tập huấn, nắm bắt nội dung SGK mới. Cô giáo Trần Thị Ngọc Lài, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Đợt này, trường có 9 giáo viên được phân công dạy lớp 5 tham gia tập huấn, tiếp cận nội dung của hai bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức. Trong hơn hai tuần, giáo viên đã tiếp cận nhiều nội dung như: Điểm cốt lõi của bộ sách, điểm mới, phương pháp tiếp cận, phương pháp giảng dạy phù hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hành trong bài giảng".
Chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy
Đến hết tháng 7, hơn 11.000 giáo viên TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được bồi dưỡng và tập huấn sử dụng SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 bộ sách Cánh Diều theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các giáo viên được nghe chuyên gia của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) giới thiệu về điểm mới của bộ sách; tinh thần của chương trình GDPT mới được thể hiện trong sách; tài liệu hướng dẫn SGK; các clip bài học minh họa; học liệu điện tử...
Ông Đoàn Văn Ninh, Phó tổng giám đốc VEPIC cho biết, quán triệt triết lý “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK được các đơn vị liên kết xuất bản đặc biệt coi trọng. Tập huấn, bồi dưỡng không chỉ phát triển năng lực cho giáo viên mà còn tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng GDPT trên toàn quốc.
Tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, các trường THPT tổ chức tập huấn bằng hình thức trực tuyến. Cô giáo Mai Thị Minh Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương chia sẻ, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn chủ động đăng nhập tài khoản và tham gia tập huấn. Nhờ thông thạo công nghệ thông tin, việc tham gia tập huấn của các thầy, cô giáo diễn ra thuận lợi. Nhà trường cũng ưu tiên chọn bộ sách có sự kế thừa và liên kết chặt chẽ giữa các lớp 10 và 11, giúp giáo viên dễ dàng tiếp thu nội dung nhờ kinh nghiệm giảng dạy trước đó; đồng thời khuyến khích giáo viên tìm hiểu thêm các bộ sách khác để mở rộng góc nhìn.
Sau đợt tập huấn, giáo viên sẽ tiến hành làm bài kiểm tra, thu hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch giảng dạy cá nhân. Do vậy, đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong tiếp cận nội dung mới, đặc biệt là giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục miền núi. Nhiều giáo viên bày tỏ tham gia các lớp tập huấn SGK không chỉ tập trung vào các chi tiết trong SGK mới mà còn được hướng dẫn về phương pháp giảng dạy. Qua đó, các thầy, cô giáo có thêm định hướng trong xây dựng kế hoạch, kỹ năng giảng dạy phù hợp và khả năng đánh giá mức độ học sinh.
Thầy giáo Bùi Bá Mạnh, tác giả SGK Toán 5-Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho hay, trong các chương trình tập huấn, giáo viên được trao đổi những nội dung chính: Phân tích tổng thể chương trình toán tiểu học qua các khối lớp, theo 3 mạch: Số và phép tính; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất. So sánh chương trình 2018 với chương trình 2006; đặc biệt nhấn mạnh vào sự thay đổi của mạch kiến thức so với chương trình 2006. Giáo viên cũng được gợi ý xây dựng hệ thống bài tập phát triển năng lực cho học sinh.
Theo kế hoạch, đầu tháng 8, các tổ chuyên môn của trường tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục, các giáo viên chủ động trao đổi, xây dựng kế hoạch giảng dạy để chuẩn bị cho năm học mới. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên góp phần hỗ trợ giáo viên hiểu rõ hơn về SGK mới, cách thức áp dụng vào thực tế giảng dạy, đồng thời tiếp cận thêm phương pháp, kỹ năng mới; tháo gỡ được nhiều khó khăn cho các giáo viên trong hoạt động giảng dạy, lựa chọn phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.
Bài và ảnh: THÁI BÌNH