Mua nhà ở xã hội không còn là giấc mơ

Việc ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là một “cú hích” tháo gỡ những “nút thắt” quan trọng nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật liên quan đến việc phát triển, quản lý nhà ở xã hội hoạt động hiệu quả, để giấc mơ an cư của nhiều công nhân, lao động sớm thành hiện thực.

“Nới lỏng” nhiều quy định

Sở hữu một căn nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như Hà Nội là ước mơ của những công nhân xa quê, người lao động, công chức có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lâu nay, tiêu chuẩn được mua nhà ở xã hội khắt khe, thủ tục đăng ký mua phức tạp… là những lý do khiến việc sở hữu nhà ở xã hội trở nên khó khăn, để mong muốn có nhà vẫn chỉ là “giấc mơ xa vời” với họ.

Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) (Ảnh: Nguyễn Quang)

Đáng mừng, từ ngày 1/8/2024, khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực, những “rào cản” này sẽ được tháo gỡ. Cùng với đó, ngày 26/7/2024, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó ngoài các quy định chi tiết “gỡ khó" cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận loại hình này.

Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã quy định chi tiết khoản 2 Điều 83 Luật Nhà ở 2023, hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 29, Nghị định 100 quy định, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Điều này có nghĩa là, các đối tượng được quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật Nhà ở mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội sẽ được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội.

Ngoài việc quy định cụ thể tới trường hợp được thụ hưởng chính sách, Luật mới đã tháo gỡ các quy định gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân như thuật ngữ “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” hay giới hạn quyền sở hữu nhà ở tại địa phương cấp tỉnh nơi có dự án.

Luật sư Vũ Ngọc Chi, Công ty Luật TNHH Tam Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều điểm mới quy định thông thoáng hơn về chính sách nhà ở xã hội.

“Điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội đã được quy định thoáng hơn. Cụ thể, trường hợp độc thân thì thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, còn đối với người đã kết hôn thì tổng thu nhập của gia đình không quá 30 triệu đồng/tháng.

Điểm đáng chú ý nữa là Điều 78, Luật Nhà ở năm 2023 quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không còn yêu cầu điều kiện cư trú, chỉ nêu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Đây là những cơ chế hết sức thông thoáng, sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hiện nay”, Luật sư Vũ Ngọc Chi nhận định.

Tổ chức đối thoại, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc

Những cơ chế thông thoáng trong Luật Nhà ở năm 2023 đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, các ban, bộ, ngành trong thúc đẩy triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Đỗ Tâm

Khu nhà ở xã hội Ecohome 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Đỗ Tâm)

Cùng với sự chủ động phối hợp của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, có thể nói, chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ như hiện nay.

Luật đã có, những vướng mắc cơ bản về mặt cơ chế, chính sách đã được gỡ bỏ. Vấn đề hiện tại là việc triển khai thi hành tại các địa phương ra sao? Bởi lẽ, chính sách có hay đến đâu nhưng việc triển khai thực tế của các cấp chính quyền địa phương sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả của chính sách đến đời sống.

Tại Hà Nội, theo Quyết định, UBND thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển 5 khu nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 với tổng quy mô sử dụng đất 248ha.

Đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 4/5 dự án với quy mô 203ha đất, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 0,83 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang chủ trì thẩm định.

Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội thành phố Kết nối xanh Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), quy mô khoảng 210.000m2 sàn với 3.200 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), quy mô khoảng 196.000 m2 sàn với 3.000 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), quy mô khoảng 152.000m2 sàn với 2.400 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), quy mô khoảng 215.000m2 sàn với 3.600 căn hộ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, đến thời điểm này, việc triển khai 5 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đang chậm tiến độ. Trong những nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; các Sở, ngành, địa phương phải cam kết bảo đảm đến ngày 1/10/2024 có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài. Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống.

Do vậy, các Sở, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc sớm để có nhiều hơn những dự án nhà ở xã hội được triển khai trong thời gian tới.

Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nhà ở xã hội, dự kiến trong tháng 11/2024, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, trên địa bàn thành phố năm 2024”.

Đây là dịp để thành phố trao đổi, cung cấp thông tin tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường. Qua đó, thể hiện vai trò của chính quyền thành phố đối với việc hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố năm 2024.

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất, sáng kiến kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhằm tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển đối với lĩnh vực nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố năm 2024 và các năm tiếp theo.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 1
Tác giả: Ánh Dương