Áp lực công việc, dân văn phòng đổ tiền vào spa, gội đầu, massage
Mỗi tháng, Bảo Ngọc (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) dành 4-6 triệu đồng cho spa và gội đầu thư giãn.
Sau 19h, kết thúc giờ dạy cuối cùng trong ngày, Bảo Ngọc lại đến một spa để gội đầu, massage hoặc bấm huyệt toàn thân. Cô là khách quen tại đây, thường ghé tới 1-2 lần/tuần hoặc 2 lần/tháng nếu quá bận rộn.
Trung bình, cô tiêu tốn khoảng 1-1,5 triệu đồng cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kéo dài 45-120 phút.
"Sau khi được các bạn nhân viên ở spa giúp xoa bóp, tôi cảm thấy thực sự thư giãn, ít nhất ở thời điểm đó", Ngọc tâm sự với Zing.
Giáo viên Anh văn này chủ yếu chọn những spa gần nhà, có không gian yên tĩnh. Cô cho biết mình đến spa vì mong muốn giải tỏa áp lực công việc, vì vậy thường yêu cầu nhân viên hạn chế nói chuyện với mình để có không gian nghỉ ngơi tốt nhất.
Chi tiền giải tỏa áp lực
Nhu cầu đến spa để làm đẹp, giảm áp lực ngày càng tăng đối với người trẻ, theo Fact.MR. Vào cuối năm 2020, thị trường spa toàn cầu đạt tổng giá trị 106 tỷ USD.
Thu nhập đầu người tăng cùng xu hướng chăm sóc sức khỏe cá nhân nở rộ được xem là nguyên nhân chính làm nên sự tăng trưởng của ngành. Ngoài ra, nhiều người trẻ ngày nay có cuộc sống bận rộn và ít vận động. Họ chính là những khách hàng chủ lực, khiến cho lĩnh vực spa sức khỏe tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.
Khánh Trân chi khoảng 3 triệu đồng/tháng cho dịch vụ spa, gội đầu. Ảnh: NVCC.
Châu Á dẫn đầu khi thị trường spa bùng nổ. Tính đến năm 2020, dịch vụ spa ở châu lục này chiếm gần 30% doanh thu toàn cầu.
Còn tại Việt Nam, theo Statista, 74% người trong độ tuổi 25-35 đi spa là để thư giãn.
Giá cả đắt đỏ, song nhiều họ, chủ yếu là dân văn phòng, vẫn thường xuyên lui tới các quán spa cao cấp. Thông thường, họ đi riêng lẻ hoặc nhóm nhỏ, giải trí vào cuối tuần hoặc sau giờ làm việc.
Khánh Trân (21 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng rất ưa chuộng việc thư giãn, giải tỏa áp lực tại spa. Cô thường lựa chọn những cơ sở cao cấp để trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
Cô hiện là nhân viên truyền thông cho một ngân hàng. Khối lượng công việc lớn, thường xuyên phải họp và lên ý tưởng với các phòng ban khiến cô kiệt sức và mệt mỏi. Cô duy trì thói quan đi spa, massage toàn thân 2 lần/tháng để giải tỏa áp lực, tìm nguồn cảm hứng và tăng năng suất công việc.
Ban đầu, Khánh Trân chỉ dùng các dịch vụ spa thông thường với chi phí phải chăng. Nhưng trong một lần quá căng thẳng, cô chọn gói dịch vụ với phòng VIP biệt lập cùng với các chuyên viên chăm sóc chuyên nghiệp. Từ đó, cô thường xuyên sử dụng gói này, chấp nhận chi trả 1-1,5 triệu đồng cho 60 phút thư giãn.
"Tôi áp lực mà không biết chia sẻ cùng ai. Đến spa, tôi nằm dài trên giường và tâm sự với các chuyên viên. Mặc dù không giúp tôi đưa ra giải pháp, nhưng các bạn ấy lắng nghe rất tốt. Tôi cảm giác có người hiểu được nút thắt trong lòng, tự nhiên thấy các vấn đề cá nhân cũng nhẹ nhàng hơn đôi chút", cô kể lại.
Khánh Trân hiện là thành viên Bạc của một spa gần nhà. Vốn từng thử qua nhiều cơ sở khác nhau, cô đề cao chất lượng tay nghề của các kỹ thuật viên cũng như tác dụng mà liệu trình đem lại cho cơ thể. Dù có đắt đỏ, song cô vẫn cảm thấy xứng đáng khi chi tiền.
Thảo My thường lựa chọn gói massage cơ thể, làm đẹp sau những ngày chạy deadline. Ảnh: NVCC.
"Tôi từng có trải nghiệm khốn khổ khi massage tại chỗ bình dân. Ở đó, nhân viên tay nghề không cao, massage và bấm huyệt sai hết vị trí làm tôi đau ê ẩm mất mấy ngày. Đi massage giảm áp lực, ai ngờ tôi còn rước bực vào người", Trân thở dài.
Vài năm qua, Thảo My (22 tuổi, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng quen thuộc với việc đi spa hàng tháng.
Sau những ngày chạy deadline căng thẳng, cô tự thưởng cho mình một buổi massage, làm đẹp. Nhân viên văn phòng này cho rằng những dịch vụ cao cấp nhất có thể giúp mình xóa tan muộn phiền, mang lại diện mạo và tinh thần tích cực.
"Những chuyến công tác dài khiến da xanh xao và trông rất mệt mỏi, tôi phải qua spa để cứu cánh. Tôi cũng muốn có vẻ ngoài tươi tắn nhất khi làm việc trực tiếp với đối tác lớn của công ty", My tâm sự.
Spa thay đổi để phục vụ khách hàng công sở
Nắm bắt xu hướng yêu thích gội đầu, massage thư giãn của dân văn phòng, nhiều cơ sở spa nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh. Họ mở các chi nhánh gần với khu tòa nhà công sở, bổ sung nhân viên vào khung giờ nghỉ trưa (11-13h) hoặc tan tầm (16-20h) nhằm phục vụ nhóm khách hàng tiềm năng này.
Anh Quốc Trí, chủ một chuỗi spa tại TP.HCM, cho biết 3 cơ sở spa, gội đầu dưỡng sinh của mình đều tập trung tại những khu vực có nhiều công ty, doanh nghiệp. Khách hàng của anh chủ yếu là phụ nữ, có người làm kinh doanh tự do, nhưng hầu hết là nhân viên công sở.
Nhiều spa thay đổi mô hình kinh doanh, bổ sung dịch vụ hướng đến nhóm khách hàng công sở.
"Hầu hết khách hàng văn phòng đến cơ sở của tôi đều yêu cầu dịch vụ gội đầu, bấm huyệt, xoa bóp cổ, vai, gáy... Phần lớn họ am hiểu về tình trạng da, tóc của bản thân, yêu cầu sử dụng dầu gội, mỹ phẩm có thành phần thiên nhiên", anh cho hay.
Chủ spa này cũng cho biết thêm các cơ sở của mình đều chú ý tạo không gian yên tĩnh khi khách hàng sử dụng dịch vụ. Các nhân viên sẽ không nói chuyện lớn tiếng suốt quá trình phục vụ khách. Ngoài ra, âm thanh, ánh sáng cũng như nhiệt độ đều được điều chỉnh, phù hợp cho khách hàng nghỉ ngơi.
Tương tự, chị Hà Thục Quân, nhân viên tư vấn một spa tại quận 1, TP.HCM, cho biết 60% khách hàng của mình là dân văn phòng, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ vượt trội.
Chị cho biết dân văn phòng thường sử dụng các dịch vụ massage toàn thân do bị đau lưng khi ngồi nhiều, đau thoát vị địa đệm hay đau cột sống. Một số khác chọn xoa bóp chân do đi giày cao gót quá nhiều.
"Dân công sở có thể ghé spa của tôi một mình hoặc đi cùng bạn bè, đồng nghiệp. Họ thường đến đông nhất khi tan sở, khoảng 16-18h mỗi ngày và ưu tiên buổi cuối tuần. Thậm chí, có vài người đến chỗ tôi vừa massage đầu, vừa làm việc trên laptop", chị kể.
Để phù hợp với nhóm khách hàng công sở, chị Thục Quân chia nhỏ các gói dịch vụ, rút gọn thời gian mỗi gói chỉ còn 45-60 phút nhằm tối ưu thời gian cho khách hàng. Ngoài ra, chị cũng tập luyện, học tập thêm những động tác massage tập trung vào vùng cổ, vai, gáy, hỗ trợ vấn đề thường gặp ở người làm văn phòng.