Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022 phản ánh sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên chặng đường phía trước còn nhiều gian nan do tác động từ giá xăng, dầu, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao, thiếu nguồn lao động, cải cách thủ tục hành chính có xu hướng chững lại...

Trong bối cảnh này đòi hỏi những giải pháp linh hoạt, đột phá tiếp sức nền kinh tế vững vàng vượt khó.

GDP cao nhất 10 năm chứng tỏ hiệu quả chính sách

Tăng trưởng GDP quý II-2022 của Việt Nam đạt 7,72%, cao nhất trong 10 năm qua, đưa GDP trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 6,4%. Kết quả này minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa... 

Nhận định về quá trình phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả này đến từ nhiều trợ lực: Hiệu quả từ chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 cùng hệ thống chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng của Chính phủ... là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn, an sinh tới mọi người dân...

Kinh tế 6 tháng cuối năm: Mừng, lo đan xen

Kinh tế thế giới đang và sẽ chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh. Trong khi hầu hết các dự báo đều bi quan với tăng trưởng kinh tế thế giới thì ngược lại các định chế tài chính quốc tế lại rất lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các dự báo bày tỏ sự lạc quan dựa trên những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế...

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%. Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB cũng dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới WB dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% lên 5,8% trong năm nay.

Cùng cách nhìn nhận, dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý II-2022 và dữ liệu lịch sử, mới đây, Ngân hàng UOB (Singapore) đã điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,5% lên mức 7%. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023...

Người dân mua hàng tại siêu thị WinMart tại Hà Nội.  Ảnh: THU TRANG

Bên cạnh những kết quả tích cực của nền kinh tế trong nước, thì sự biến động phức tạp của kinh tế thế giới tiếp tục mang đến những quan ngại làm ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. 

Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng, dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) và tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, dịch Covid-19 với các biến thể mới cũng là mối nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.

Ghi nhận từ một số DN, hiệp hội cho thấy, sau thời gian vật lộn với dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực đã đạt thành tích tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2022. Song dù doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí đầu vào tăng phi mã khiến lợi nhuận của nhiều DN hao mòn, thậm chí rơi vào tình trạng âm, điển hình như ngành xây dựng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam: Về tổng thể ngành đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022. Một số DN trong ngành ghi nhận mức tăng trưởng 300-500%. Kết quả này phản ánh sự hiệu quả trong các chính sách điều hành của Chính phủ. Song hầu hết DN xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra, kể cả về doanh thu lẫn sản lượng, rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay: "Tất cả chi phí đầu vào của ngành xây dựng từ sắt, thép, xi măng, cát, hay các loại chi phí vận chuyển như giá xăng, dầu... đều tăng mạnh; cùng với đó là nhân công đang rất khan hiếm; nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn...".

Cũng trong tình trạng khó khăn tương tự, đại diện các ngành dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, điện tử... cho rằng, dù tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan nhưng vẫn chưa thể khẳng định được nhiều. Bởi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia, trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới.

Đáng lo ngại, những căng thẳng địa chính trị trên thế giới khiến giá cả leo thang, đẩy lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của DN Việt Nam... Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%, cùng với đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến DN dệt may gặp nhiều khó khăn. Các DN ngành da giày, túi xách lại đối mặt với tình trạng tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.

DN đang khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, rất cần sự chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi từ các cơ quan quản lý nhà nước. 

Đề xuất nhiều giải pháp cấp bách

Từ những thách thức trên, để tạo thuận lợi cho khu vực DN, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), đề xuất: Cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ. Về chính sách tiền tệ, tín dụng, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, thời gian qua, chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái ổn định, nhưng với các DN có nhiều kim ngạch xuất khẩu đang mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Theo đó, đề nghị giữ tiền đồng ở mức giá vừa phải để tạo điều kiện giúp các DN xuất khẩu tăng lợi thế cạnh tranh.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội. Ảnh: NAM QUANG

Liên quan tới giá xăng, dầu, ý kiến các hiệp hội, ngành hàng nhấn mạnh, toàn bộ hoạt động sản xuất, tiêu dùng đều bị chi phối bởi giá xăng, dầu. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng, dầu, giảm giá nguyên vật liệu và chi phí logistics. Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu về 0%... Tuy nhiên, cùng với việc hỗ trợ DN bằng cơ chế, chính sách của Nhà nước, bản thân từng DN cũng cần có các giải pháp phù hợp, đổi mới quy trình quản trị, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm khâu trung gian để giảm bớt khó khăn, chi phí cho DN.

Trước những khó khăn của DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm. Khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cùng DN vượt qua khó khăn.

VŨ DUNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 64
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết