Vững tin vào tình yêu của khán giả

Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đã đi qua những thăng trầm của nghề diễn. Dù sân khấu đang ở cơn bĩ cực nhưng anh luôn tin, những ai đã từng đến xem các vở diễn, đã khóc-cười cùng các nghệ sĩ sẽ không quay lưng với thánh đường nghệ thuật.

Nguyễn Sĩ Tiến sinh năm 1968, tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Theo chia sẻ của anh, với nghề diễn, anh đã trải qua đầy đủ sắc thái của một người làm sân khấu được đào tạo đầy đủ. Anh từng đi bán vé, bê tăng âm, loa đài, rải dây điện, dán áp phích, đứng ở ngã tư phát quảng cáo. Cùng lớp diễn viên được đào tạo tại Nhà hát Tuổi trẻ có Nguyệt Hằng, Bá Anh, Anh Tuấn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đã hóa thân trong nhiều vai diễn được khán giả nhớ tới như: “Lời thề thứ 9”, “Quỷ nhập tràng”, “Nhà búp bê”, “Con cáo và chùm nho”, “Lời nói dối cuối cùng”... Khi chuyển sang làm đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến để lại dấu ấn riêng với những vở diễn khai thác các chi tiết nhỏ nhưng lại khái quát được tính cách nhân vật, truyền tải được thông điệp như: “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ông ba bị”, “Thợ săn sa bẫy”, “Con chim xanh”... Công việc của một đạo diễn đòi hỏi người nghệ sĩ cái nhìn tổng thể hơn, và những kinh nghiệm quý báu trong hành trình từ diễn viên đến đạo diễn giúp anh trưởng thành hơn, hiểu hơn về cuộc sống, biết yêu thương để sống có ý nghĩa.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong suốt quá trình trưởng thành cùng nghề, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến luôn gắn bó cùng Nhà hát Tuổi trẻ. Đây là ngôi nhà thứ hai của anh, sau gia đình nhỏ yêu dấu. Nghệ sĩ cho biết, thời gian anh ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Các đồng nghiệp trong cơ quan luôn sát cánh, chia sẻ ngọt bùi. Đặc biệt, trong vai trò Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến có điều kiện để biến những mong muốn, hoài bão về một nhà hát hàng đầu thành sự thật. Anh và các nghệ sĩ Nhà hát bắt tay vào triển khai các dự án nhạc kịch: “Trại hoa vàng”, “Sóng”, “Rồi tôi sẽ lớn”; dàn dựng các vở diễn dành cho thiếu nhi được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng như “Chú mèo dạy hải âu bay”... Để kéo khán giả đến rạp, các vở diễn do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng cũng cần phải thay đổi, nội dung cần được tinh lọc hơn. “Chúng tôi hay nói với nhau rằng: Hãy kể lại một câu chuyện cũ theo cách mới”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ.

Cảnh trong vở diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" do NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đạo diễn. Ảnh do Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp 

Có nhiều người đã xem Nguyễn Sĩ Tiến diễn từ những ngày còn rất trẻ, khoảng 30 năm trước, đến bây giờ, họ lại bế con đến xem các vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. Vậy là chính khán giả với tình cảm và sự mến yêu của họ, với mong muốn nuôi dưỡng tình cảm với sân khấu cho con em họ, đã giúp Nhà hát liên tục có sự kế cận giữa các lớp khán giả. Điều hấp dẫn họ đến với sân khấu dành riêng cho tuổi trẻ chính là những vở diễn có chất lượng.

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết