Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội

Yêu thích các nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam, Nguyễn Thị Thuỳ Dương, cô gái 9x (Thanh Xuân- Hà Nội) đã sáng tạo làm nên những tác phẩm bánh trung thu độc đáo và khác lạ.

Từ lúc còn là một sinh viên ngành ngân hàng, Thùy Dương đã theo đuổi đam mê làm bánh, cô theo học những khóa làm bánh ngắn hạn sau đó tự mình làm và đăng bán bánh trên mạng xã hội. Số tiền bán bánh khi đó không nhiều nhưng cô xem đó là niềm vui tinh thần giúp cô tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và phụ giúp gia đình chi phí học tập của mình.

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thùy Dương sáng tạo các tác phẩm bánh trung thu độc đáo và khác lạ thu hút cộng đồng mạng xã hội

Sau 3 năm ra trường, Thùy Dương đã từ bỏ công việc tại một ngân hàng lớn với mức lương ổn định để theo đuổi niềm đam mê làm bánh. Cô đã tự mở một cửa hàng bánh nhỏ và bắt đầu công việc kinh doanh.

Theo Thùy Dương chia sẻ: "Tôi đã cân nhắc rất kỹ mới đi đến quyết định nghỉ việc để dồn sức thực hiện ước mơ ấp ủ nhiều năm. Tôi cũng hiểu đó là bước đi mạo hiểm nhưng bản thân cảm thấy không còn đủ sức để duy trì tốt cả hai công việc một lúc. Hơn nữa, tôi muốn thử sức với niềm đam mê của mình, kể cả có thất bại đi chăng nữa.

Vào cuối năm 2018, tôi đã giấu gia đình, nghỉ việc để tự mở cửa hàng bánh với số vốn chỉ khoảng 20 triệu đồng. Nhưng may mắn, vì tôi đã làm bánh bán từ thời sinh viên nên khi mở quán tôi cũng đã có một lượng khách hàng ổn định, từ đó đến nay cửa hàng dần dần phát triển hơn".

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 2.

Những hình ảnh thân thuộc được vẽ trên bánh Trung thu gợi lại kỷ niệm xưa cũ

Hơn 4 năm theo nghề làm bánh, đến nay Thùy Dương có thể làm nhiều bánh loại khác nhau như: bánh Âu, bánh kem hoa, bánh mì,… nhưng bánh trung thu truyền thống vẫn là loại bánh mà Thùy Dương luôn muốn chinh phục, làm mới. Những năm gần đây, cô thử sức, sáng tạo ra những chiếc bánh Trung thu trang trí mới lạ, đặc biệt, còn đưa vào đó cả nét văn hóa xưa của Việt Nam.

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 3.

Bánh Trung thu được trang trí bằng cách vẽ hình tranh Đông Hồ

"Xuất phát từ tình yêu nét đẹp văn hóa Việt và bánh nướng truyền thống, cũng như mong muốn lưu giữ hoài niệm về ký ức tuổi thơ trong trẻo, bình yên, tôi đã kiên trì nghiên cứu các phương pháp làm bánh mới, sáng tạo, thử nghiệm nhiều lần để làm ra được những tác phẩm bánh trung thu độc đáo và khác lạ. Hơn nữa, nếu bánh Trung thu có thể kết hợp với điều gì đó gợi nhớ hoài niệm và nét văn hóa cổ tôi nghĩ món quà sẽ có ý nghĩa hơn" – Thùy Dương chia sẻ.

Nếu như năm ngoái, Thùy Dương đã gây ấn tượng khi đã "thổi hồn dân gian" lên trên mặt bánh Trung thu với những bức tranh, nhân vật hay đồ dùng dân gian gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt… thì năm nay, cô sáng tạo thêm những mẫu bánh độc đáo nhìn giống như những tác phẩm điêu khắc gỗ.

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 4.

Chiếc bánh trung thu "Ban Công" là một trong những chiếc bánh có khối lượng rất lớn lên đến 5kg

Chia sẻ về ý tưởng này, Thùy Dương bày tỏ: "Hai năm qua tôi vẫn chăm chỉ cho ra đời những chiếc bánh vẽ hình nhưng năm nay, tôi muốn có sự sáng tạo và khác biệt hơn. Và trong lúc suy nghĩ ý tưởng cho mùa Trung thu năm nay, tôi vô tình nhìn thấy các tác phẩm điêu khắc gỗ trên mạng xã hội nên tôi đã có ý tưởng tạo nên những chiếc bánh trung thu mang hình tượng như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chứ không phải tạo hình thông thường như những chiếc bánh hình tròn, vuông truyền thống".

Ban đầu, cô thử làm những mẫu dễ như con cá hay tiểu cảnh cây nhà, sau đó cô đã thử thách bản thân làm ra những mẫu bánh độc đáo có hình con rồng, gà trống, chú bé chăn trâu, mái đình, cây đa... Tất cả đều được làm hoàn toàn từ nhân đậu xanh và vỏ bánh nướng, áp dụng kỹ thuật nặn để tạo hình và lắp ghép.

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 5.

Một góc làng quê được tạo hình tỉ mỉ, công phu

"Tuy các mẫu bánh được sáng tạo và làm mới nhưng những nguyên liệu tôi sử dụng vẫn là nguyên liệu truyền thống từ bột gạo và nhân đậu xanh, nên những chiếc bánh với hình dạng độc đáo nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống của người Việt. Chỉ có phần nhân bên trong tôi sử dụng nhân nhuyễn như đậu xanh - trà xanh chứ không sử dụng nhân thập cẩm hay các nhân có sợi, có hạt để có thể dễ dàng hơn trong thao tác tạo hình" – Thùy Dương nói.

Để đưa văn hóa Việt lên mặt bánh và tạo nhiều hình mẫu khác nhau, Thùy Dương phải thực hiện các công đoạn rất tỉ mỉ và đòi hỏi tính kiên nhẫn mới có thể hoàn thiện được một chiếc bánh như ý. Thông thường mỗi chiếc bánh có tạo hình khác nhau cô phải chia thành từng phần để nướng. Việc nướng từng phần giúp cho giảm trọng lượng và kích thước bánh, làm cho bánh đều màu hơn, không phải nướng một lần mà nướng từng phần nhỏ và lắp ghép lại với nhau.

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 6.

Đây là mẫu bánh Thùy Dương tâm đắc nhất. Cô mất hai ngày để hoàn thành, tỉ mỉ làm từng cái "lông gà".

Đối với Thùy Dương, tạo hình bánh trung thu điêu khắc hình con gà là kỳ công nhất trong tất cả các tác phẩm cô thực hiện. Thùy Dương cho biết: "Khi thực hiện điêu khắc hình con gà, tôi phải tỉ mỉ tạo hình từng cái "lông gà", mất cả ngày hì hục làm nhưng thành phẩm vẫn không đạt, bánh không đứng vững, làm lại nhiều lần vẫn bị vỡ nát, lúc đó tôi lo rằng mình sẽ thất bại. Thế nhưng, với tính cách lì lợm, không muốn bỏ cuộc nên tôi đã quyết tâm thử thêm nhiều cách khác để hoàn thiện tác phẩm. Giây phút "con gà" hoàn thiện được đưa ra khỏi lò nướng, tôi vô cùng hạnh phúc, chỉ muốn bật khóc vì bao nhiêu công sức đã được đổi bằng thành quả xứng đáng".

Đưa văn hóa Việt vào tạo hình bánh Trung thu của cô gái trẻ Hà Nội - Ảnh 7.

Mẫu bánh "Chăn trâu"

Việc nâng tầm bánh Trung thu với tạo hình nghệ thuật 3D là cơ hội giúp cô lưu giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tới nhiều bạn trẻ và người nước ngoài. "Tôi rất yêu văn hóa dân gian Việt Nam nên những chiếc bánh làm ra đa phần có câu chuyện và hình dáng gần gũi, hài hòa với bản sắc dân tộc. Tôi mong muốn người nước ngoài nào khi tìm kiếm từ khóa "bánh trung thu" trên internet đều có thể bắt gặp được bánh có hình ảnh về văn hóa Việt Nam" – Thùy Dương chia sẻ.

Hiện nay, ngoài việc sản xuất bánh Trung thu, Thùy Dương còn mở lớp dạy làm bánh với hy vọng góp một phần nhỏ lưu giữ bản sắc văn hóa cổ truyền và đưa nó vào cuộc sống đời thường. Với cô, đưa bánh trung thu tiếp cận thị trường rộng rãi hơn chính là lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống./.

Lượt xem: 10
Tác giả: Theo Thương Nguyễn
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...