Lưu giữ kho tàng di sản văn hóa độc đáo
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, tỉnh Thái Bình đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, để lại cho thế hệ sau hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa đặc sắc như đình, đền, miếu, chùa và từ đường... Cùng với đó, nhiều loại hình diễn xướng dân gian nổi tiếng, hàng trăm lễ hội truyền thống và hàng chục trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo vẫn được duy trì cho đến nay.
Đây là tiềm năng lớn để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống và phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tỉnh Thái Bình, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cần sự huy động tối đa nguồn lực của xã hội, đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, với vị trí, vai trò là chủ thể của di sản văn hóa.
Lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Hương |
Cũng theo ông Phạm Minh Đức, hiện nay hầu hết làng quê ở tỉnh Thái Bình đều có lễ hội truyền thống. Mỗi xã thường có ít nhất một lễ hội, có xã nhiều tới 4 lễ hội với đủ các loại hình. Các lễ hội này không chỉ tái hiện cuộc sống nông nghiệp mà còn tôn vinh các anh hùng dân tộc, người có công với dân, với nước. Đặc biệt, tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội nhất, tạo không khí vui tươi, rộn ràng cho người dân và du khách.
Một trong những lễ hội dân gian diễn ra vào dịp đầu Xuân tại tỉnh Thái Bình là lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Ngay từ những ngày đầu năm mới, chùa Keo thu hút đông đảo du khách, nhưng phải đến ngày hội xuân vào mùng 4 tháng Giêng, không khí lễ hội mới thực sự sôi động. Du khách không chỉ đến để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo rất ít các công trình văn hóa cổ còn giữ được mà còn được chứng kiến các nghi lễ truyền thống như lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh ghi nhớ công đức của Thiền sư Không Lộ và đặc biệt là tham gia vào hội thi kéo lửa nấu cơm đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong mỗi kỳ lễ hội Xuân.
Ngoài lễ hội chùa Keo, tỉnh Thái Bình còn tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc khác, như lễ hội đền Trần, lễ hội đền Tiên La tưởng nhớ nữ tướng Vũ Thị Thục, lễ hội đền Hét thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão và lễ hội làng Thượng Liệt với những điệu múa truyền thống. Những lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn là dịp để người dân giao lưu, kết nối.
Hấp dẫn các trò chơi dân gian cổ truyền
Bên cạnh các lễ hội, tỉnh Thái Bình còn lưu giữ nhiều trò chơi dân gian cổ truyền độc đáo. Những trò chơi này không chỉ mang tính giải trí mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa sâu sắc. Trong số đó, có thể kể đến thi làm cỗ cá ở lễ hội đền Trần, thi kéo lửa nấu cơm ở lễ hội chùa Keo và lễ hội bơi trải trên sông Diêm Hộ.
Nét độc đáo hội thi vật cầu tại lễ hội đền Hét, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Hương |
Tục thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần gợi nhớ về thuở hàn vi của nhà Trần gắn với sông nước, trong khi Hội thi “kéo lửa nấu cơm cần” lại tái hiện sự ứng biến của quân và dân trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, các hội thi như gói bánh chưng hay pháo đất cũng góp phần bảo tồn những tập quán đẹp và thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
Theo thống kê, tỉnh Thái Bình hiện đang lưu giữ hơn 40 trò chơi dân gian, bao gồm các trò chơi dành cho trẻ em, thi tài và các trò chơi vui khỏe. Các trò chơi này không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn gắn kết cộng đồng, xây dựng cuộc sống tinh thần phong phú và tạo nên sắc thái riêng cho văn hóa Thái Bình.
Nơi khởi nguồn của những làn chèo cổ
Tỉnh Thái Bình nổi tiếng là cái nôi của những làn điệu chèo cổ. Hầu hết các nhà hát và đoàn chèo chuyên nghiệp trong nước đều có sự góp mặt của nghệ sĩ Thái Bình. Nhiều nghệ sĩ chèo từ đây đã được phong tặng danh hiệu cao quý như nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Thái Bình nổi tiếng là cái nôi của những làn điệu chèo cổ. Ảnh: Thu Hương |
Nhà hát Chèo Thái Bình thường xuyên bảo lưu các vở chèo cổ và các thế hệ nghệ sĩ, dù đã nghỉ hưu, vẫn tích cực tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Điều này giúp cho tinh hoa chèo Thái Bình tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Không chỉ các nghệ sĩ chuyên nghiệp, tình yêu với nghệ thuật chèo còn lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân. Việc duy trì các câu lạc bộ chèo tại các địa phương đã thu hút đông đảo người tham gia, từ thanh thiếu niên đến người cao tuổi.
Năm 2023, nghệ thuật chèo Thái Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong năm 2024, hồ sơ nghệ thuật chèo sẽ được trình UNESCO xem xét ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật chèo không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là biểu tượng văn hóa sâu sắc của người dân Thái Bình.
Trong suốt hàng nghìn năm hình thành và phát triển, nhiều loại hình văn hóa dân gian khác cũng đã được gìn giữ và phát huy qua các thế hệ người con Thái Bình. Những đóng góp này không chỉ làm phong phú thêm di sản văn hóa của đất nước mà còn khẳng định vị thế của Thái Bình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 3.000 di tích đã được kiểm kê; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 120 di tích cấp quốc gia, hơn 600 di tích cấp tỉnh và 2 bảo vật quốc gia. Cùng với nghệ thuật múa rối nước, nghệ thuật trình diễn chèo và nghề dệt đũi Nam Cao, Thái Bình còn có 9 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những tài nguyên quý vừa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân địa phương vừa là nguồn lực, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. |