Tái sinh nghệ thuật chèo
Nhằm đưa nghệ thuật chèo đến với giới trẻ, những câu lạc bộ (CLB), hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, khóa học ngắn được các tổ chức, cá nhân nỗ lực giới thiệu cái hay, cái đẹp tạo ra cảm hứng, để giá trị nghệ thuật chèo không mất đi mà ngày càng trở nên sống động.
Kể lại quãng thời gian tham gia workshop “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế”, Nguyễn Minh Anh (sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Việt Nhật) hào hứng: “Đây là chương trình rất thú vị và bổ ích, ngoài gặp gỡ và được nghe những nghệ sĩ nổi tiếng của làng chèo như NSND Thanh Ngoan, NSND Thanh Bình... giới thiệu giá trị của nghệ thuật chèo, chúng tôi còn được tiếp cận với tư duy làm marketing, thiết kế, sáng tạo để đưa nghệ thuật truyền thống trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa”.
Các bạn trẻ bên những sản phẩm góp phần tái sinh nghệ thuật chèo. |
Workshop “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế” (Design thinking, reviving chèo art) do Trường Đại học Việt Nhật và Cộng đồng nhà giáo dục khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU VIBERS) chủ trì, Nhà hát Chèo Việt Nam và Dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” (Chèo 48h) đồng phối hợp tổ chức. Tham dự khóa học, 30 học viên (hầu hết là sinh viên, học sinh) được các chuyên gia hướng dẫn ứng dụng design thinking (tư duy thiết kế) nhằm tạo ra những ý tưởng, giải pháp sáng tạo tái sinh nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại, giúp chèo trở nên gần gũi hơn với giới trẻ.
TS Lư Thị Thanh Lê, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng, những người trẻ luôn dồi dào năng lượng sáng tạo nên có thể đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để nghệ thuật chèo lan tỏa. “Quy trình design thinking là một trong những quy trình tư duy hiệu quả, giúp thúc đẩy tính sáng tạo và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề của đời sống, xã hội. Với workshop này, các chuyên gia đến từ VNU VIBERS, Trường Đại học Việt Nhật mong muốn lan tỏa phương pháp tư duy thiết kế tới giới trẻ, giúp các bạn trẻ tiếp thu và ứng dụng vào việc bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói riêng cũng như đóng góp vào xã hội Việt Nam nói chung”, TS Lư Thị Thanh Lê cho biết thêm.
Nối dài khóa học trải nghiệm tái sinh chèo, 30 bạn trẻ tham gia khóa trải nghiệm đã gia nhập bổ sung lực lượng cho dự án Chèo 48h. Là người sáng lập và điều hành Chèo 48h, Đinh Thị Thảo chia sẻ, hoạt động chính của nhóm là mở các lớp trải nghiệm và thực hành nghệ thuật chèo. Hiện tại, nhóm có các lớp học trải nghiệm chèo, xẩm, chầu văn cho học sinh, sinh viên và cả đối tượng mầm non. Mỗi khóa học thu hút hàng trăm người quan tâm và tham gia. “Khi đã hiểu và yêu nghệ thuật chèo, tự các bạn trẻ sẽ là sứ giả lan tỏa tình yêu đó trong cộng đồng. Từ những lớp học của chúng tôi, đã có rất nhiều học viên mở rộng các dự án liên quan đến chèo, nhiều sinh viên chọn thực hiện khóa luận liên quan đến môn nghệ thuật này”, Đinh Thị Thảo cho hay.
Theo thời gian, giới trẻ yêu chèo có nhiều hướng đi mới nhằm đẩy mạnh truyền thông cho bộ môn nghệ thuật này. Trên mạng xã hội, thông qua kênh YouTube có nhiều video 3-10 phút về lịch sử, giá trị văn hóa, nét đặc trưng của chèo. Hay trên mạng xã hội Facebook vốn có các nội dung về từ ngữ tiếng Anh, giới trẻ cũng tận dụng nền tảng này để giới thiệu các từ cổ trong chèo. Trên ứng dụng TikTok cũng có video 15 giây thể hiện các nhân vật đặc trưng, tạo ấn tượng về chèo. Đặc biệt, một số bạn trẻ còn có ý tưởng “Chèo therapy”, dựa trên phương pháp trị liệu nghệ thuật (art therapy), trị liệu cảm xúc cá nhân, giúp mọi người được truyền cảm hứng, sống chậm hơn, giải tỏa căng thẳng thông qua quá trình thưởng thức và sáng tạo với chèo.
"Với môn nghệ thuật đặc thù, không thể ngay lập tức kết nối với nhiều người mà dần dần từ cộng đồng này lan tỏa sang cộng đồng khác. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có sự mở rộng của cộng đồng yêu chèo. Đã có những hoạt động không phải từ Chèo 48h mà từ các cộng đồng khác, tạo ra những ý tưởng, giải pháp gần gũi nghệ thuật truyền thống xưa”, Đinh Thị Thảo cho hay.
Bài và ảnh: VIỆT LAM