Phát huy giá trị cổ phục trên nền tảng số

Tại nhiều bảo tàng, di tích trên thế giới, việc khai thác các hiện vật số, di sản số đã đem lại nguồn thu không nhỏ. Ở Việt Nam, việc số hóa di sản văn hóa, khai thác giá trị các hiện vật “ảo” mới chỉ bắt đầu và mang tính thử nghiệm. Với sưu tập trang phục cung đình thời Nguyễn, số hóa là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn, phát huy giá trị và quảng bá di sản thời trang độc đáo.

Trang phục cung đình thời Nguyễn - vàng son một thuở

Trang phục cung đình là những trang phục được các triều đại phong kiến Việt Nam quy định nghiêm ngặt dành riêng cho vua, hoàng hậu, phi tần, những người thuộc hoàng tộc, quan lại cùng gia quyến sử dụng trong cung đình và cuộc sống hằng ngày. Trang phục cung đình thay đổi qua các triều đại và mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của từng thời kỳ. Đây cũng là loại hình hiện vật độc đáo còn được bảo tồn khá tốt trong kho tàng di sản văn hóa của thời Nguyễn (1802-1945).

Trang phục cung đình của các triều đại trước thời Nguyễn chỉ được biết đến qua những ghi chép tản mạn trong sử liệu và hiện vật khảo cổ (tượng gốm men nhiều màu nữ quý tộc thời Lê sơ (thế kỷ 15) phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long, tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17)-Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh vẽ trang phục quan văn An Nam trong tác phẩm Hoàng Thanh chức cống đồ (1751), trang phục quan văn thời Tây Sơn  (thế kỷ 18)-Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), tranh lụa vẽ chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Đình Kiên (thế kỷ 18-19)... Để nghiên cứu, phục dựng trang phục cung đình thời kỳ trước còn nhiều khoảng trống về tư liệu, thiếu hiện vật gốc so sánh.

Áo quan nhất phẩm triều Nguyễn (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) trưng bày tại Bảo tàng Lê Bá Đảng (Huế) đang được các nhà nghiên cứu số hóa phát huy giá trị. Ảnh: VÕ THẠNH

Vua Gia Long (1802-1820) đã giao Bộ Lễ trưng dụng các nghệ nhân giỏi về cắt may, thêu thùa, trang trí trang phục trong cả nước về kinh đô Huế để phục vụ việc thiết kế trang phục cho triều đình, đồng thời ban hành chính sách về phẩm phục cung đình, quy định chặt chẽ về chất liệu vải, màu sắc, cách may, kiểu dáng, hình tượng trang trí... cho từng loại trang phục tương ứng với phẩm hàm của vua, hoàng hậu, thái tử, những người trong hoàng tộc và quan lại... Các vị vua kế nhiệm đã hoàn thiện và thực hiện nghiêm chính sách về phẩm phục cung đình. Do vậy, trang phục cung đình thời Nguyễn bao hàm những giá trị cao về văn hóa, vừa kế thừa được nét đặc trưng của trang phục các triều đại trước, vừa thể hiện được những tinh hoa văn hóa tiêu biểu của thời Nguyễn. Mỗi trang phục cung đình chính là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện sự tài hoa, tinh tế, trình độ tay nghề, tư duy thẩm mỹ của các nghệ nhân dệt, may, thêu, chế tác kim hoàn... thời Nguyễn.

Sau năm 1945, ngoài số cổ vật được Nhà nước bảo tồn trong các bảo tàng, phần lớn trang phục cung đình triều Nguyễn chỉ còn được lưu giữ trong các gia đình hoàng tộc và quan lại cũ của triều đình. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, những bộ trang phục cung đình chỉ còn hiện diện trong ký ức của nhiều người, được giữ gìn và bảo quản như đồ dùng, tư trang cá nhân của bậc tiền nhân, thậm chí được chôn theo chủ nhân khi mất; phần lớn trang phục cung đình thời Nguyễn đã thất tán, lưu lạc trong dân gian hoặc bị đưa ra nước ngoài, thuộc sở hữu của các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài nước. Thân phận thật sự của những bảo vật này dần dần bị che khuất sau lớp bụi thời gian cùng với hành trình lưu lạc đến những miền đất lạ.

Số hóa để bảo tồn và phát huy di sản trang phục

Hiện nay, nơi bảo quản, lưu giữ được nhiều trang phục cung đình triều Nguyễn là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, tiếp đó là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng gốm cổ sông Hương và một số sưu tập tư nhân khác. Nổi bật trong đó có bộ sưu tập của GS, TS Thái Kim Lan. Bà là hậu duệ của một vị quan thời Nguyễn và được thừa kế một số trang phục từ những người trong gia đình và dòng họ của bà. Trong thời gian ở châu Âu nhiều năm, bà đã dày công sưu tầm thêm từ nhiều nguồn để có được một bộ sưu tập 21 trang phục cung đình triều Nguyễn dành cho vua, hoàng hậu, phi tần, quan lại và gia quyến. Đây được coi là một trong những sưu tập trang phục cung đình thuộc sở hữu tư nhân có giá trị quan trọng và được bảo tồn, phát huy hiệu quả thông qua hàng loạt triển lãm, tọa đàm khoa học, xuất bản sách...

Thời gian gần đây, trang phục cung đình triều Nguyễn là mặt hàng được săn đón trên các sàn đấu giá cổ vật, như trường hợp chiếc áo Nhật Bình thời Nguyễn được đấu giá thành công tại Tây Ban Nha với giá 160.000 euro và trao tặng lại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trưng bày, phát huy giá trị. Việc hồi hương di sản cũng được Nhà nước quan tâm, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Do điều kiện bảo quản trang phục cổ trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam rất khó khăn, cần thiết bị chuyên dụng và nguồn kinh phí duy trì bảo quản lớn nên số hóa là phương thức hữu hiệu để bảo tồn, phát huy loại hình hiện vật đặc biệt này. Xung quanh mỗi trang phục cổ đều ẩn chứa những câu chuyện thú vị, hấp dẫn về chủ nhân, dấu mốc về sự tồn tại của trang phục qua nhiều thế kỷ, về hành trình lưu lạc, đường nét hoa văn trên trang phục, kỹ thuật dệt vải... Do vậy, hiện nay, các nhà sưu tập đang gấp rút công tác số hóa nhằm mở rộng khả năng tương tác, trải nghiệm văn hóa. Số hóa trang phục cung đình thời Nguyễn không chỉ dừng ở câu chuyện văn hóa-số hóa di sản, đằng sau đó còn là câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh nguồn thu từ du lịch, dịch vụ áo dài, ứng dụng chất liệu truyền thống trong các sáng tác đương đại, phục hồi làng nghề truyền thống.

Tiến sĩ NGUYỄN ANH THƯ

 

Tags: di sản
Lượt xem: 40
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...