Đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến cà phê thế giới
Sáng ngày 21/2/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi họp báo thông tin về việc tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê”.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là một lễ hội cấp quốc gia, tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào tháng 3, với rất nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc.
Phát biểu khai mạc họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Buôn Ma Thuột được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2024, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt 1,7 tỷ USD, trong đó mặt hàng cà phê đạt hơn 1,2 tỷ USD.
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại họp báo. |
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, để gia tăng giá trị xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng phát triển bền vững, trong giai đoạn phát triển tới, tỉnh Đắk Lắk xác định chiến lược trọng tâm là chuyển đổi kinh tế sang đầu tư chế biến hàng hoá nông sản chủ lực, trong đó có cà phê. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi nhanh để giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến chất lượng cao.
“Địa phương đang báo cáo Chính phủ đề án đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến cà phê thế giới được xây dựng công phu, trong đó có việc duy trì tổ chức lễ hội cà phê. Trong giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao, tỉnh cần nguồn lực mới cho tăng trưởng, trong đó có mặt hàng cà phê”, ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Hà cũng cho biết thêm, sau 20 năm, qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
“Tỉnh Đắk Lắk tin tưởng và hy vọng rằng lễ hội sẽ là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cùng bạn bè trên thế giới có dịp gặp gỡ, trao đổi, hợp tác kinh doanh, góp phần đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột", xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, về con người, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng.
![]() |
Trước đó, năm 2023, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đã để lại nhiều dấu ấn đối với du khách. |
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hấp dẫn
Theo Ban Tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, ngoài các hoạt động chính như: Khai mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê”, Bế mạc, Lễ hội đường phố, Hội nghị giao thương quốc tế kết nối, nâng tầm cà phê Việt..., Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 còn có các điểm nhấn mới như: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền lễ hội trên môi trường mạng; Hội trại cà phê “Đồng hành, chia sẻ” tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA (huyện Krông Pắc).
Cùng với đó, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 không thể thiếu vắng các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyên sâu của ngành hàng cà phê Đắk Lắk cũng như Việt Nam. Tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP, du khách sẽ được tham quan khoảng 400 gian hàng gồm: các sản phẩm từ cà phê, các sản phẩm phụ trợ ngành cà phê, máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành cà phê và các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Bên cạnh đó, hội chợ còn tổ chức không gian pha chế cà phê theo phong cách châu Âu, châu Mỹ Latinh và Ethiopia…
![]() |
Theo Ban Tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, ngoài các hoạt động chính còn có các sự kiện liên quan đến xúc tiến thương mại. |
Điểm nhấn thú vị nhất của Lễ hội là Cuộc thi rang cà phê đặc sản Việt Nam 2025. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê với quy mô lớn, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Cuộc thi sẽ tạo tiền đề để cho người rang có thêm kinh nghiệm khi tham gia các cuộc thi rang cà phê quốc tế. Đồng thời, tạo động lực cho người rang không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng và sáng tạo trong rang cà phê…
Cũng theo Ban Tổ chức, khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 sẽ là một chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của 1.500 người, gồm nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, sinh viên... Điểm mới trong đêm khai mạc sẽ có bài phát biểu của Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới - ICO, góp phần khẳng định vị thế của TP. Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Đối với Lễ hội đường phố, tham gia chương trình sẽ có Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 - H’Hen Niê và Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam 2024 - Đinh Thị Hoa cùng làm Đại sứ Truyền thông. Cùng với đó là đoàn nghệ nhân trong và ngoài tỉnh, nông dân của 15 huyện, thị xã, thành phố; đoàn nghệ thuật các nước, ban nhạc rock quốc tế; đoàn nghệ sĩ đường phố đến từ TP. Hồ Chí Minh; các đoàn xe hoa, đoàn xe mô tô…, truyền đi thông điệp về tình yêu cà phê và niềm tự hào về nông sản Việt Nam.
Năm 2025 là lần thứ 9 sự kiện được diễn ra, là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025). Đây cũng là sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh TP. Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới", góp phần nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại". |