Dấu ấn một mùa lễ hội văn minh

Không còn cảnh chèo kéo, ùn đẩy, lại được trải nghiệm công nghệ hiện đại để ngược dòng về lịch sử, du khách tham gia lễ hội xuân thấy thư thái và thú vị hơn. Đó là cảm nhận chung của người dân khi đi các lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025.

Công nghệ góp phần lan tỏa, gìn giữ nét truyền thống

Theo thống kê, cả nước hiện có 8.868 lễ hội, trong đó có 8.103 lễ hội truyền thống. Đa số, các lễ hội diễn ra đầu xuân năm mới. Năm nay, theo ghi nhận chung của phóng viên, các địa phương đều tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền; thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã nâng cao ý thức tham gia các lễ hội. Nhiều người đi hội bây giờ không chỉ đơn thuần là vui mà còn để tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội.

Có dịp hòa mình vào Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025, chị Nguyễn Thu Trang (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cảm nhận rõ sự khác biệt. “Ban Tổ chức lễ hội đã chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, hàng quán, lối đi khá gọn và sạch sẽ.

Tại cổng đền và lối vào đền đều có biển, mã QR để người dân tìm hiểu nguồn gốc lễ hội. Loa phát thanh phát liên tục nhắc nhở du khách, đồng thời kể câu chuyện về lịch sử đền Trần, nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Hưng Hà, nơi phát tích vương triều Trần.

Tôi cho rằng, đây là điểm tích cực của lễ hội đền Trần Thái Bình năm nay. Ngoài ra, đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật 3D mapping cũng mang đến nhiều ấn tượng cho du khách”, chị Trang nói.

Dấu ấn một mùa lễ hội văn minh
Tái hiện nghi lễ bái yết tại đền Trần Thái Bình 2025

Tại một số lễ hội khác như Lễ hội Gò Đống Đa, người dân được chứng kiến màn nghệ thuật 3D mapping hoành tráng với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Chương trình nghệ thuật đặc sắc kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: Ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động những khung cảnh trong đời sống của nhân dân trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII, sự nhiễu nhương, rối loạn của triều đình, của giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, khí thế hừng hực trong các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn.

Khán giả có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên... có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của Nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.

Dấu ấn một mùa lễ hội văn minh
Màn nghệ thuật 3D mapping với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước” khai mạc Lễ hội Gò Đống Đa 2025

Bạn Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Đại học Thủy Lợi chia sẻ: “Em học ở Hà Nội gần 4 năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên em được tham dự lễ hội và hiểu thêm về lịch sử truyền thống thời kỳ nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc do anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cầm đầu.

Những chương trình như thế này khiến lớp trẻ chúng em có thêm kiến thức và tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc được bồi đắp từ nhiều thế hệ cha ông thuở trước”.

Thay đổi tư duy về lễ hội

Không chỉ phát huy được nét truyền thống, nhiều lễ hội đang được các địa phương coi là sản phẩm để phát triển công nghiệp văn hóa. Điển hình như tại Yên Bái, nhiều năm nay, Lễ hội đền Đông Cuông diễn ra vào đầu năm đã thành điểm đến đáng nhớ của nhiều du khách thập phương.

Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng. Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn - Mẫu thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu.

Đền cũng là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XVIII cùng các vị thủ lĩnh người Tày, anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm Giáp Dần 1914.

Hằng năm, Lễ hội đền Đông Cuông để tưởng nhớ công đức của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và nhiều vị tướng tài đã có công giúp nước với nhiều nghi thức tâm linh huyền bí, đặc sắc. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh mang thương hiệu riêng của huyện Văn Yên và của tỉnh Yên Bái.

Ngày 16/1/2023, Lễ hội đền Đông Cuông được ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Dấu ấn một mùa lễ hội văn minh
Nghi lễ mời thầy mo tại Lễ hội đền Đông Cuông 2025

Với phương châm “biến di sản thành tài sản", tỉnh Yên Bái đã chú trọng tổ chức lễ hội này trang trọng, an toàn và văn minh. Những nét truyền thống như nghi lễ rước mẫu, nghi lễ mời thầy Mo… được giữ gìn và phát huy.

Bên cạnh đó, phần hội với các trò chơi dân gian như kéo co, thi đấu thể thao, triển lãm ảnh về đất và người Văn Yên… được lồng ghép vào, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân và du khách thập phương.

Với những nét văn hóa đặc sắc, Lễ hội đền Đông Cuông đã thu hút tới 10 vạn du khách trong những ngày đầu năm, góp phần quảng bá di tích quốc gia đặc Đông Cuông. Nhờ đó, nét đẹp và sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa vùng miền trong Lễ hội đền Đông Cuông được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đồng thời tạo đột phá trong ngành du lịch của tỉnh Yên Bái.

Cũng với quan điểm lễ hội là lợi thế văn hóa, gắn với du lịch tâm linh, tại Hà Nội, Lễ hội Chùa Hương ngày càng được đổi mới, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Năm nay, công tác tổ chức lễ hội chùa Hương được huyện Mỹ Đức nâng tầm. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc triển khai vé điện tử tích hợp, không chỉ giúp du khách dễ dàng mua vé, check-in nhanh chóng, mà còn tích hợp với dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, mất kiểm soát tại bến đò.

Dấu ấn một mùa lễ hội văn minh
Mỗi lái đò tại chùa Hương đều được cấp mã QR cá nhân, giúp dễ dàng quản lý dịch vụ, kiểm soát chất lượng phục vụ

Toàn bộ 3.700 thuyền đò của Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Hương Sơn đã được nâng cấp, đồng bộ với màu xanh đặc trưng, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí. Mỗi lái đò đều được cấp mã QR cá nhân, giúp hợp tác xã dễ dàng quản lý dịch vụ, kiểm soát chất lượng phục vụ.

Đặc biệt, mỗi thuyền đò cũng có mã QR riêng, cho phép du khách đánh giá thái độ phục vụ của lái đò, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, không gian cảnh quan từ suối Yến đến các khu vực hành lễ cũng được trang hoàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đáng chú ý, Khu di tích danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương) cũng vinh dự được công nhận là khu du lịch cấp thành ph. Điều này mở ra cơ hội phát huy giá trị di sản, đưa chùa Hương trở thành điểm đến văn hóa - tâm linh đặc sắc của Thủ đô.

Việc kết hợp chương trình nghệ thuật, triển lãm và hoạt động truyền thống: Tuần lễ văn hóa - du lịch (từ ngày 11-18/3) với hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức đã làm cho hành trình chiêm bái và hành hương về chùa Hương của du khách thêm thú vị và nhiều dấu ấn tốt đẹp.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 6
Tác giả: Nguyễn Thủy
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...