Làm du lịch kiểu Đặng Lê Nguyên Vũ: Đưa cà phê vào mọi trải nghiệm từ chèo thuyền, cắm trại, xem biểu diễn thời trang, đến mát-xa trị liệu
Trung Nguyên Lengend đã quá nổi tiếng với cà phê nhưng không phải ai cũng biết, cách đây hơn 12 năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thành lập Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê, nay đổi tên thành Công ty TNHH đầu tư du lịch Trung Nguyên Healing. Dấu ấn sản phẩm du lịch của Trung Nguyên Healing ngày càng rõ nét sau lần đổi tên này.
Là một tỉnh ở trung tâm Tây Nguyên, Đắk Lắk có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh, các cảnh quan thiên nhiên như thác nước, hồ nước ngọt, rừng nguyên sinh... được đánh giá có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch.
Bên cạnh tiềm năng, Đắk Lắk cũng còn nhiều hạn chế: không có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)... cũng không có sản phẩm du lịch nổi trội, có dấu ấn riêng như du lịch tâm linh (Yên Tử - Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), du lịch mạo hiểm (Quảng Bình), du lịch sinh thái (Lào Cai, Hòa Bình)...
Trong bức tranh chung đó, từ năm 2010, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã góp vốn thành lập Công ty TNHH đầu tư Du lịch Đặng Lê (nay đổi tên thành Công ty TNHH đầu tư du lịch Trung Nguyên Healing). Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cà phê, vốn là bản sắc của Trung Nguyên.
Được biết, Trung Nguyên Healing có vốn điều lệ 98 tỷ đồng và có 3 thành viên góp vốn là Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) lần lượt nắm giữ 70%, 11% và 19% vốn góp của công ty.
Cách mà Trung Nguyên làm du lịch rất khác biệt. Đó là xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng từ các hoạt động ngoài trời, vận động đến thăm quan, tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuận, văn hóa,... nhưng tất cả đều xoay quanh sản phẩm cà phê, gắn với khát vọng mà ông Vũ theo đuổi: Xây dựng Buôn Ma Thuật thành thủ phủ cà phê của thế giới.
Các sản phẩm du lịch của Trung Nguyên Healing hiện nay có Coffee Tour bao gồm các trải nghiệm chèo thuyền vượt thác, cắm trại, đi xe địa hình và thăm quan, du lịch thành phố Buôn Ma Thuật với điểm nhấn là Bảo tàng cà phê và các địa điểm bổ trợ như Làng cà phê Trung Nguyên, Trung tâm ẩm thực 3 miền (khánh thành vào cuối năm 2022).
Với mục tiêu kiến tạo Thành phố Cà phê, Bảo tàng Thế giới Cà phê trở thành trung tâm sáng tạo nghệ thuật, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá bản địa của Việt Nam và thế giới, chỉ riêng năm 2022, Trung Nguyên Legend với nhiều nghệ sĩ danh tiếng như: Nhạc sĩ Đức Trí, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Cao Trung Hiếu... phối hợp sản xuất nhiều chương trình nghệ thuật như: Vở vũ kịch Chuyện kể 3 văn minh cà phê – một sản phẩm du lịch đặc biệt – khác biệt – duy nhất trên thế giới; Đêm nhạc "Tri ân những tri âm"; Ra mắt đĩa than 'Thanh âm tỉnh thức".
Ngoài ra, Trung Nguyên Healing đang khai thác du lịch sinh thái tại 2 thác Dray Nur và Gia Long nổi tiếng ở Đắk Lắk, đồng thời sở hữu 1 spa và 1 resort ở thành phố Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk. Tất nhiên, những dịch vụ ở spa cũng được xây dựng bám theo chủ đề cà phê đúng với tên gọi Coffee Spa, chẳng hạn như ứng dụng các nguyên liệu chọn lọc tốt nhất từ cà phê để đưa vào quy trình trị liệu chăm sóc phục hồi sức khỏe.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, trong 5 ngày nghỉ Tết Quý Mão, tổng thu từ du lịch toàn tỉnh ước đạt 14 tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ. Tổng số khách đón tiếp ước đạt 130.000 lượt, tăng 9,13 % so cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa ước đón 129.650 lượt khách, tăng 9,04 % so cùng kỳ. Khách quốc tế ước đón 350 lượt khách, tăng 61,29 % so cùng kỳ.
Đóng góp trong kết quả chung đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón hơn 30.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cũng như văn hoá thế giới.
Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 11/20218, Bảo tàng Thế giới Cà phê là một hạng mục độc lập trong khuôn viên thành phố cà phê cùng với khu vườn Zen, trung tâm ẩm thực ba miền,... Bảo tàng cà phê Trung Nguyên ngoài nhiệm vụ lưu giữ hơn 11.000 hiện vật liên quan đến ba nền văn minh cà phê tiêu biểu của thế giới có niên đại gần 3 thế kỷ, còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Hãng thông tấn AP (Hoa Kỳ) từng nhận định đây là "Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!" và trở thành 6/17 điểm đến tốt nhất khi đến Việt Nam theo thông tin của tạp chí du lịch Wanderlust (Anh).
Nhằm mang lại du khách có những trải nghiệm du lịch văn hoá khác biệt, mới mẻ, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước Tết Quý Mão với những hoạt động trải nghiệm văn hoá như: Hành trình trải nghiệm và khám phá Thành phố Cà phê với điểm nhấn là "Phiên chợ xưa" tái hiện khung cảnh chợ Tết của người Việt đầu thế kỷ XX của các miền quê ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; trải nghiệm tinh hoa văn hoá của quốc gia trên thế giới trong các dịp đặc biệt dựa trên 3 văn minh cà phê Thiền – Roman - Ottoman như: phiên chợ Istanbul Bazar (Thổ Nhĩ Kỳ), chợ Giáng sinh thời Trung cổ ở Châu Âu, chợ Tết Sài Gòn,...