Kết nối văn hóa đọc: Thong thả kể chuyện rối nước

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, sáng tạo, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam. Vào những dịp lễ, tết, hội làng ngày xuân... các nghệ nhân dân gian lại thả hồn vào câu chuyện được kể trên mặt nước.

Ngày nay, rối nước cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận khán giả hiện đại. Trăn trở trước những khó khăn đó, họa sĩ Lương Linh và đội ngũ Sunbox đã cho ra mắt cuốn sách “Kể chuyện trên mặt nước” (Nhà xuất bản Hà Nội, 2023) với mong muốn góp sức đưa rối nước đến gần hơn với người trẻ. Cuốn sách đã đoạt giải C Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VI, năm 2023.

Họa sĩ Lương Linh bắt đầu tiếp cận với đề tài múa rối nước từ năm 2017. Dù quãng thời gian không quá dài nhưng với anh, đó là hành trình khám phá mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Không chỉ dừng lại ở việc háo hức, trầm trồ khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các quân rối trên mặt nước, họa sĩ Lương Linh đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các nhà nghiên cứu, quản lý và các nghệ nhân múa rối nước để có thể chắt lọc những thông tin và vẽ minh họa sát với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

  Bìa cuốn sách.

“Kể chuyện trên mặt nước” là bản tổng thuật về rối nước bằng tranh minh họa với 184 tạo hình quân rối từ truyền thống đến hiện đại. Qua cuốn sách, người đọc sẽ được tiếp cận những câu chuyện lịch sử, chuyện nghề, chuyện số phận của những con rối xưa và nay. Ở góc độ nào, chúng ta cũng thấy được sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, màu sắc và ngôn ngữ được họa sĩ sáng tạo.

Mở đầu cuốn sách, họa sĩ Lương Linh đã gợi mở câu chuyện gốc tích của nghệ thuật múa rối nước. Có nhiều truyền thuyết khác nhau về tổ nghề múa rối nước, một trong số đó là huyền tích nổi tiếng nhất về thiền sư Từ Đạo Hạnh: “Người xưa kể rằng, nhân một chuyến đi giảng đạo, thiền sư hữu duyên qua làng Phú Đa, nay là Phú Hòa, Thạch Thất, Hà Nội. Thấy cảnh trí vui tươi, người dân cởi mở, yêu văn nghệ, ngài bèn đem nghề rối nước truyền dạy cho dân làng”. Không chỉ dẫn nhập bằng huyền tích, cuốn sách còn dẫn chứng bằng những cứ liệu lịch sử: “Bia cổ nhất có nhắc đến múa rối nước là văn bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng vào năm 1121 dưới thời Vua Lý Nhân Tông. Trên văn bia, người ta ghi nhận nội dung mô tả những trò rối nước như rùa vàng lưng đội núi, tiên nữ múa hoa, chim thú nhảy nhót hợp thành đôi... Đây là minh chứng rõ nét cho sự hình thành của loại hình này vào thời Lý”.

Điểm thu hút trong cuốn sách là cung cấp nhiều thông tin đầy đủ, chi tiết, góp phần “bật mí” những yếu tố tạo nên thành công của buổi biểu diễn múa rối nước. Ví như cấu trúc của thủy đình, quá trình chế tạo rối, diễn viên, vai trò quan trọng nước là lực cản, độ phản quang hay độ đục giúp quân rối có thể xuất hiện cũng như biến mất một cách dễ dàng và bất ngờ.

Cùng với đó, “Kể chuyện trên mặt nước” còn cho người đọc thấy được dòng chảy mang tính lịch sử trong tạo hình rối nước. Chúng ta thêm cảm phục những sáng tạo không ngừng nghỉ của nghệ nhân góp phần đưa rối nước đến gần với người xem. Không chỉ dừng lại ở những quân rối dân gian Việt Nam, nhiều hình tượng cách tân cũng đã được khắc họa trong nét vẽ và ngôn ngữ miêu tả của họa sĩ Lương Linh: “Nàng tiên cá xuất hiện với phần chân được giấu dưới nước. Theo tình tiết truyện, khi nàng uống liều thuốc của phù thủy để có được đôi chân thì người diễn viên mới nâng cao quân rối lên khỏi mặt nước để đôi chân xuất hiện”.

Cuốn sách “Kể chuyện trên mặt nước” được kỳ vọng là phương cách gần gũi, nhẹ nhàng, thu hút người đọc yêu văn hóa truyền thống, đặc biệt là những bạn đọc trẻ đến gần hơn với nghệ thuật múa rối nước.

NGUYÊN ĐỨC

Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết