Cầu nối nghệ thuật phương Đông và phương Tây
“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” - cuốn sách được lên ý tưởng và soạn thảo bởi chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á Charlotte Aguttes-Reynier, Chủ tịch Hiệp hội các Nghệ sĩ châu Á tại Paris (Pháp) là bằng chứng cho những đóng góp của thị trường nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật của một ngôi trường nghệ thuật từng tạo nên những tên tuổi lớn cho mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm là kết quả 10 năm tích lũy, nghiên cứu, sưu tầm của bà Charlotte về nghệ thuật hiện đại Việt Nam, nêu toàn cảnh về lịch sử Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từ năm 1924 đến 1945. Qua đó tôn vinh những đóng góp và thành tựu của các giảng viên, sinh viên trường trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền mỹ thuật hiện đại nước nhà, như: Diệp Minh Châu, Hoàng Tích Chù, Lê Phổ, Lê Quốc Lộc, Lê Thị Lựu, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Tỵ.
Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier (bên phải) giới thiệu cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” sau 10 năm dày công nghiên cứu, biên soạn. |
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những ngày đầu thành lập, được điều hành bởi họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và sau đó là Évariste Jonchère, đã trải qua một thời kỳ thi đua nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khơi nguồn cho sự cách tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” hé lộ một phần của lịch sử nghệ thuật, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ, dù là giáo viên hay sinh viên, họ vẽ, sơn, điêu khắc, cho ra đời các tác phẩm sơn mài, các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế...
Trong mỗi bài viết, tác giả Charlotte Aguttes-Reynier chú trọng diễn giải những bước đi quan trọng giúp hình thành nên tầng lớp nghệ sĩ ưu tú mà người đứng đầu ngôi trường-Tardieu vẫn luôn mong chờ. Hành trình nghiên cứu, tiếp xúc với nhiều tư liệu, tài liệu về các thế hệ họa sĩ Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương cũng như với những tác phẩm quý được trưng bày, triển lãm ở nước ngoài hoặc trong các phiên đấu giá; cùng việc gặp gỡ, trò chuyện với gia đình các họa sĩ đang ở nước ngoài như gia đình họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ Vũ Cao Đàm... đã giúp cho tác giả Charlotte Aguttes-Reynier xây dựng được một hành trình đã bị thời gian che khuất của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cũng là hành trình của nền mỹ thuật Việt Nam ở thời kỳ rực rỡ nhất.
Trong buổi ra mắt giới thiệu cuốn sách diễn ra trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - một trong những thành viên sáng lập trường) nói: “Cuốn sách không chỉ cho thấy vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đối với mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20, mà còn cho thấy những ảnh hưởng vô cùng quan trọng của Victor Tardieu, vị hiệu trưởng đầu tiên của trường. Không chỉ truyền thụ cho học trò những kỹ thuật hội họa cơ bản, đặc biệt là sử dụng sơn dầu, ông còn truyền cho họ lòng say mê đối với nghệ thuật và nhấn mạnh đến việc khai thác truyền thống nghệ thuật của Việt Nam để phát triển phù hợp với thế giới”.
Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier cho biết đã được tiếp xúc với những bức thư mà Victor Tardieu viết cho học trò như viết cho những người con của mình, tràn đầy tình cảm thắm thiết. Mỗi năm, ông đều lựa chọn những học trò ưu tú để chuyển giao những tinh hoa của mỹ thuật hiện đại.
Bài và ảnh: HỒNG HÀ