Kết nối văn hóa đọc: Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách
Trong quá trình phát triển, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) luôn quan tâm xây dựng, bồi dưỡng văn hóa đọc sách trong học sinh, qua đó góp phần nuôi lớn những ước mơ, hoài bão cho các em.
Thành lập từ tháng 9-1988, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tinh thần nỗ lực, trách nhiệm của thầy trò nhà trường. Với danh hiệu “Trường đạt chuẩn quốc gia” nhiều năm liền xếp loại “Tập thể lao động xuất sắc”, công tác xây dựng, phát triển văn hóa đọc luôn được Ban giám hiệu nhà trường xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là tiền đề giáo dục tri thức, đạo đức và thắp sáng đam mê, hoài bão của các em học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đọc sách trong giờ giải lao. Ảnh do nhà trường cung cấp |
Thư viện nhà trường hiện đang hoạt động với hơn 11.400 bản sách, gồm đa dạng các loại sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, sách thiếu nhi phục vụ công tác giảng dạy, học tập; các bản sách được kiểm tra, số hóa, lưu trữ đúng quy định và thường xuyên được thanh lọc nhằm đáp ứng tính thời sự thông tin sách mang lại. Với thời gian mở cửa phục vụ bạn đọc 7 tiếng/ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, để đáp ứng nhu cầu đọc sách và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, nhà trường phối hợp với Thư viện tỉnh Kon Tum triển khai công tác mượn liên thư viện, góp phần làm phong phú, đa dạng vốn tài liệu với số lượt bạn đọc duy trì hơn 28.300 lượt/năm, số lượt tài liệu duy trì hơn 56.700 lượt/năm.
Bên cạnh đó, để phục vụ bạn đọc ngoài thư viện, những túi sách lưu động đã được các thầy cô mang đến từng lớp học vào tiết sinh hoạt đầu giờ hay các buổi ngoại khóa; các tủ sách mini ở góc lớp, tủ sách thư viện đặt tại chân cầu thang dãy phòng học cũng được trang bị tạo thuận lợi cho thói quen đọc sách của học sinh, nhất là vào giờ ra chơi.
Nhằm khơi dậy niềm đam mê với sách và phát triển tư duy chủ động, tích cực đọc sách của học sinh, nhà trường đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới, đa dạng tổ chức các mô hình, hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực như: “Tủ sách lưu động”, “Xe thư viện lưu động đa phương tiện”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương tốt”... Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4 hằng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa để học sinh được thỏa sức lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách yêu thích, sáng tạo tư duy thiết kế bìa sách, hướng dẫn các em ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm tài liệu, đọc sách online...
Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong học sinh, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng còn là đơn vị sôi nổi, đi đầu với các hoạt động lan tỏa giá trị văn hóa đọc trong cộng đồng. Với Phong trào “Sách cũ cho năm học mới” và “Tặng một cuốn sách để đọc được nhiều cuốn sách”, năm 2023, nhà trường quyên góp được hơn 2.200 cuốn sách tặng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Kon Tum.
Khẳng định giá trị văn hóa đọc với thành tích dạy và học của nhà trường, cô Phạm Thị Như Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng cho biết: “Công tác phát triển thư viện và thúc đẩy phong trào văn hóa đọc trong nhà trường không chỉ là phương pháp rèn luyện, bồi dưỡng tri thức cho các em học sinh mà còn là cách thức hữu hiệu giúp thầy và trò nhà trường liên tiếp đạt kết quả cao trong các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, tuyên truyền sách, góp phần khẳng định uy tín, vị thế và vai trò giáo dục của nhà trường tại địa phương”.
Ghi nhận những thành tích mà nhà trường đã đạt được, đầu tháng 4-2024, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI.
XUÂN KHÁNH