Điện Biên bừng lên sức sống mới
70 năm sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đang tiếp tục mang tinh thần và dũng khí của thế hệ cha ông vào xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất từng mang đầy thương tích bởi chiến tranh...
Cuối tháng 4, ở Điện Biên hoa ban bắt đầu rụng cánh, nhưng vẻ đẹp tinh khôi của “chúa” hoa vùng Tây Bắc còn níu chân du khách gần xa. Hoa ban trắng đỉnh Chiềng Pấc, cheo leo trên đèo Pha Đin, chen giữa những lèn đá, rồi vây quanh lòng chảo Điện Biên như chiếc vòng nguyệt quế mà đất trời ưu ái ban tặng cho vùng Tây Bắc mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thấy nhiều người trầm trồ trước vẻ đẹp dung dị mà cuốn hút của hoa ban, đôi mắt chị Lò Thị Thủy (dân tộc Thái, thuyết minh viên Khu di tích sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ở xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ) ánh lên niềm tự hào, giọng chị nhỏ nhẹ: “Mỗi độ xuân qua, khi hoa đào, hoa mận thôi rực rỡ là lúc hoa ban bung nở. Ban là loại cây chịu lửa, chịu khô cằn mà chẳng cây nào sánh bằng, vì vậy, cứ sau mỗi trận cháy rừng, mỗi mùa lũ quét lại tiên phong gượng dậy, phủ màu xanh cho đất, đơm hoa đẹp cho đời”.
Hoạt động trong không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. Ảnh: NGUYỄN HỒNG |
Dường như hoa ban cũng mang cốt cách con người Tây Bắc, chịu thương chịu khó, không bao giờ khuất phục trước khó khăn, gian khổ. Trở lại Điện Biên dịp này, ai cũng thấy những mầm sống đang vươn mình trỗi dậy nơi lòng chảo Điện Biên từng là những hố bom, lô cốt, chiến hào...
Nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay thăm lại các điểm di tích chiến trường xưa, ngắm cánh đồng Mường Thanh ngút ngàn tầm mắt, ông Lê Ngọc Trác, trú tại xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thấy mình như trẻ lại. Bao ký ức về những ngày quần nhau với giặc ở Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam cứ ùa về trong ông.
Nhắc đến những khó khăn, thiếu thốn của Điện Biên sau ngày giải phóng, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vừa bước qua tuổi 92 nhớ mãi cảnh đói nghèo, bệnh tật hành hạ đồng bào các dân tộc trên mảnh đất này. Ông Trác kể rằng, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ ở lại cùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng nông trường Điện Biên, nông trường quốc doanh đầu tiên và lớn nhất cả nước khi đó.
Sau chiến tranh, khắp lòng chảo Mường Thanh đâu đâu cũng có bom, mìn sót lại nên bộ đội Đại đoàn 316 và đồng bào các dân tộc trên địa bàn phải đổ rất nhiều mồ hôi và cả máu để cải tạo, hồi sinh từng thửa ruộng. Vượt bao khó khăn, nguy hiểm, hàng nghìn chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Điện Biên đã chiến thắng "giặc đói", "giặc nghèo", "giặc dốt". Có người trở thành kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, ngày ngày cùng nhân dân cần mẫn lao động sản xuất trên chính cánh đồng mà mới hôm nào họ từng chiến đấu sống mái với quân thù.
Mắt đã mờ, chân đã mỏi, nhưng ký ức về mảnh đất Điện Biên lịch sử những ngày đầu giải phóng vẫn hằn in trong tiềm thức của nhiều người dân thế hệ trước. Cựu chiến binh Vũ Văn Kiệm, trú tại tổ dân phố 2, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, nhớ lại: “Quang cảnh Điện Biên ngày ấy hoang sơ lắm, chỉ có vài ngôi nhà ngói, từ đồi A1 đến gần chợ trung tâm không có cơ quan nào cả. Điện Biên giải phóng rồi, nhưng đời sống của đồng bào còn khó khăn vô cùng. Giờ thì Điện Biên đã khác xưa nhiều. Cánh đồng Mường Thanh cung cấp lúa gạo không chỉ cho địa phương mà gạo ngon từ đây còn vươn tới bao miền. Đường đi lối lại thuận tiện, người dân đã hết cảnh đói nghèo...”.
Nói về những đổi thay của Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phấn khởi chia sẻ: "Những năm qua, người dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, đồng thời từng bước tăng vụ, tăng diện tích lúa nước. Nếu như cách đây hơn 10 năm, tỉnh phải xin Trung ương chi viện hàng nghìn tấn gạo thì giờ đây, Điện Biên đã bảo đảm đủ lương thực tại chỗ và còn dư để xuất đi các nơi. Từ một địa phương nghèo đói, kiệt quệ bởi chiến tranh, sản xuất manh mún, lạc hậu, Điện Biên đã và đang từng ngày đổi mới, vươn lên trở thành tỉnh có kinh tế trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc".
Ðúng là Ðiện Biên đã không ngừng đổi mới, phát triển, vươn lên cùng với các tỉnh bạn. Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ðẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng và an ninh. Quyết tâm đưa Ðiện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Đi khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy diện mạo của mảnh đất lịch sử này từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 25,3%, giảm rất nhanh so với đầu nhiệm kỳ. An sinh xã hội được quan tâm; kinh tế phát triển, cơ cấu theo đúng định hướng. Nhiều công trình trọng điểm được quan tâm đầu tư, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Đặc biệt, nhiều năm qua, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên tạo được nhiều dấu ấn quan trọng. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu...
Với chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn và sự đoàn kết, đồng thuận của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, mảnh đất Điện Biên lịch sử đang ngày một đổi thay, trở thành điểm sáng nơi cực Tây Tổ quốc.
NGUYỄN HỒNG SÁNG