Gia tăng giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Quảng Ninh - Sau 30 năm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, làm gì để gia tăng giá trị cho vịnh Hạ Long?

Gia tăng giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Bãi cát tự nhiên Cát Oăn dài hơn 200m, được bao bọc bởi các đảo đá vôi phủ thảm thực vật xanh mát, phù hợp cho các hoạt động tắm biển và khám phá sinh thái. Ảnh: Ban Quản lý vịnh Hạ Long

Lao động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long về nội dung này.

Thưa ông, 30 năm qua, Quảng Ninh đã có rất nhiều nỗ lực trong bảo vệ cảnh quan cũng như giá trị di sản. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về một số kết quả nổi bật trong công tác này?

- Trải qua 30 năm với rất nhiều thăng trầm, chúng tôi đánh giá, đúc kết lại một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, chúng ta đã hết sức nỗ lực trong việc hoàn thiện các thể chế, các quy định, quy chế để quản lý và bảo vệ di sản một cách tốt nhất.

Thứ hai, chúng ta đã hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản mà trực tiếp là Ban quản lý vịnh Hạ Long. Từ chỗ chỉ có hơn 10 cán bộ, viên chức, NLĐ khi thành lập năm 1995, tới nay Ban Quản lý đã có hơn 300 cán bộ, viê chức, NLĐ thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phát huy di sản.

Thứ ba, chúng ta đã lan tỏa được giá trị của di sản để các tổ chức, cá nhân, thậm chí là cả cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta chưa có nhiều đổi mới và cũng chưa khai thác được một cách tối đa những giá trị rất đặc sắc khác của vịnh Hạ Long. Hiện nay, theo chúng tôi đánh giá vịnh Hạ Long mới khai thác được khoảng từ 10 - 20% các giá trị cũng như tài nguyên du lịch.

Chân dung

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Ảnh: Đoàn Hưng

- Vậy theo ông, thời gian tới chúng ta cần làm gì để tháo gỡ những điểm nghẽn này, khai thác vịnh Hạ Long tương xứng với tiềm năng của vịnh di sản?

- Hiện Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh có những đánh giá, rà soát, nghiên cứu nghiêm túc về nguồn tài nguyên mà hiện nay chúng ta còn đang bỏ ngỏ ở trên vịnh.

Trước mắt, chúng tôi đang nghiên cứu nâng cấp các sản phẩm du lịch sẵn có. Song song với đó, sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng lựa chọn những sản phẩm du lịch đẳng cấp phục vụ cho dòng khách cao cấp.

Tháng 1.2025, dự kiến sẽ có khoảng 200 du khách là những tỉ phú đến vịnh Hạ Long. Họ đang đặt ra những yêu cầu trải nghiệm rất khắt khe.

Hiện Ban quản lý vịnh, Sở Du lịch và các ngành, đơn vị liên quan đã đi khảo sát, xác định được hai điểm đáp ứng được các tiêu chí là bãi cát Bàn Chân và bãi Cát Oăn, ngoài ra còn có khu vực nghỉ đêm ở Cống Đỏ và Trà Sản. Đây cũng đang là hoạt động mang tính chất thử nghiệm, sau này sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, các điều kiện an toàn về luồng lạch… để nhân rộng sản phẩm

- Việc mở rộng ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh và Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng đặt ra những nhiệm vụ như thế nào trong công tác phối hợp quản lý thưa ông?

Hiện hai địa phương tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng đang phối hợp xây dựng quy chế quản lý với di sản liên tỉnh lần đầu ở Việt Nam. Trên thực tế, chúng tôi cũng đã mời và tham vấn ý kiến các chuyên gia của UNESCO, từ đó chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quy chế quản lý chung, xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.

Chúng tôi cũng đã phối hợp cùng với các cơ quan ở thành phố Hải Phòng đề xuất với UNESCO xem xét, điều chỉnh nhỏ ranh giới của khu vực vùng đệm di sản là cơ sở pháp lý để phát triển các dự án kinh tế xã hội khác không xung đột với khuyến cáo của UNESCO về bảo tồn, trên quan điểm công tác bảo tồn phải được đặt lên hàng đầu.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...