Biểu trưng sáng ngời về ý chí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Cách đây tròn 52 năm, tối 18-12-1972, Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên một chiến công vô cùng chói lọi: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

xac-may-bay-nem-bom-b-52-cu.jpg

Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, đêm 18-12-1972. Ảnh: TTXVN

Quyết tâm “dám đánh” và “quyết thắng”

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng. Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh “Linebacker II”.

Chiến dịch tập kích chiến lược B-52 diễn ra 24/24 giờ bằng máy bay chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng từ chiều tối 18-12 đến 29-12-1972. Trong suốt 12 ngày đêm diễn ra cuộc chiến, Mỹ đã sử dụng khoảng 700 lần chiếc máy bay B-52, 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu, đánh phá liên tục Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía bắc vĩ tuyến 20. Riêng tại khu vực Hà Nội, Mỹ sử dụng tới 441 lần chiếc máy bay B-52, hơn 1.000 chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu.

Máy bay Mỹ đã ném bom ồ ạt xuống các khu vực đông dân, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga… gây nhiều thương vong cho nhân dân ta. Số lượng bom do máy bay Mỹ ném xuống 12 ngày đêm tới 10 vạn tấn (trong đó riêng Hà Nội là 4 vạn tấn), với sức công phá bằng 5 quả bom nguyên tử thuộc loại Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người...

Với tầm nhìn chiến lược từ trước của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội - trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến - chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc. Phát huy những kinh nghiệm và tri thức quân sự truyền thống của ông cha, cùng với khả năng sáng tạo và tiếp thu khoa học - kỹ thuật hiện đại, sự mưu trí và tự tin, quân và dân Thủ đô đã xác định quyết tâm “dám đánh” và tìm ra cách đánh để “quyết thắng” đế quốc Mỹ. Thế trận phòng không, không quân được xây dựng nhiều tầng và rộng khắp, có phương án hiệp đồng và bảo đảm chu đáo; chuẩn bị kỹ lưỡng cả thế trận phòng không nhân dân và các trận địa; phân công các binh chủng hỏa lực kết hợp với sở trường và tính năng vũ khí, kết hợp vừa chiến đấu vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm chi viện cho chiến trường…

Khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam

Nhờ chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, lực lượng và phương tiện, quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng… đã đánh trả địch những đòn đích đáng ngay từ những trận đầu và đã đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ. Trong toàn bộ cuộc chiến đấu, đập tan cuộc tập kích 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, bắt nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn hỏng 9 tàu chiến. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 máy bay B-52 và 2 máy bay F-111.

Trận đánh tiêu diệt máy bay B-52 của không quân Mỹ đầu tiên trên thế giới là trận thắng quân sự lớn của ta. Chiến thắng là biểu trưng sáng ngời về ý chí quật cường của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Với thắng lợi này, ta đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút hết quân Mỹ về nước.

Hơn 50 năm đã trôi qua, từ thực tiễn đấu tranh và chiến thắng của quân và dân Thủ đô đã cho thấy ánh sáng của niềm tin, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong thời khắc quyết định của lịch sử; đồng thời đã để lại nhiều bài học lịch sử quý giá. Đó là bài học về sự chủ động, nhạy bén, năng động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, không ngừng nâng cao vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên và sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ. Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân; về sự chủ động phối kết hợp chặt chẽ giữ Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ động, sáng tạo, đi tiên phong trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn luôn luôn gắn bó chặt chẽ với đảng bộ các tỉnh, thành phố cả nước trong mối quan hệ chặt chẽ, vốn có từ nghìn năm qua; Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, vì độc lập, tự do. Kỳ tích lớn lao của Đảng bộ và quân dân Thủ đô trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không tách rời việc phối hợp và chia lửa tuyệt vời của quân, dân các tỉnh miền Bắc, dưới sự lãnh đạo, quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Nhà nước.

Thủ đô Hà Nội hôm nay đang phát huy truyền thống văn hiến - anh hùng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với thế và lực mới. Tinh thần và sức mạnh của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hơn 50 năm trước vẫn đang soi sáng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, tiếp tục nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại…

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...