Gần 30.000 học sinh không có “vé” vào trường công - giải pháp nào tháo gỡ?
Nhiều năm qua, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập tại Hà Nội chỉ khoảng 60%. Để giành được "tấm vé" vào trường công, các em học sinh phải trải qua “cuộc đua” khốc liệt. Theo công bố, năm học này, Hà Nội có gần 30.000 học sinh không có "vé" vào trường công, điều này khiến "cuộc đua" vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn… "nóng bỏng tay".
Học sinh dự thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2024 - 2025. Ảnh: HH
Chọn trường… “sơ cua”
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, năm nay, Hà Nội có 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có hơn 103.456 em đăng ký thi lớp 10 THPT công lập.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Sở G&ĐT Hà Nội giao cho 115 trường công lập không chuyên là 75.670. Như vậy, số còn lại gần 30.000 học sinh phải chọn trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hay trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo chương trình 9+.
Thời điểm này, chỉ còn hơn nửa tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, các em học sinh đang “chạy nước rút”, học ngày “cày đêm” để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng. Áp lực không chỉ với các em học sinh mà còn đè lên vai của các bậc phụ huynh.
Trước áp lực thi vào lớp 10, nhiều phụ huynh đã phải "sơ cua" trường tư thục để làm phương án dự phòng cho con. Chị Nguyễn Thu Hà, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, có con đang học lớp 9 tại Trường THCS Tân Triều cho biết: Bắt đầu khi con bước vào lớp 9, bố mẹ đã phải thu xếp các công việc để tập trung hỗ trợ con, học ngày, học đêm đến phát ốm.
“Nếu không giành được “vé” học trường công lập, với những gia đình công nhân như chúng tôi khó lòng đủ chi phí cho con học trường tư với mức học phí đắt đỏ. Trong khi các trung tâm giáo dục thường xuyên thì gia đình chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng đào tạo. Cả gia đình luôn canh cánh trong đầu lo lắng "con mình có đỗ được trường công không?”", chị Hà bày tỏ.
Cùng chung cảnh như chị Hà, anh Lê Tiến Đạt (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, con anh có lực học trung bình khá nên chọn trường thi rất vất vả, nhà ở Hà Đông nhưng phải chọn trường thi lên quận Thanh Xuân theo nguyện vọng 3 vì những năm gần đây, các trường THPT công lập ở quận Hà Đông điểm chuẩn rất cao.
Để có chỗ học cấp 3 cho con, bên cạnh "đặt cược" vào trường THPT công lập, gia đình anh cũng phải tìm hiểu các trường tư thục để "sơ cua". Các tiêu chí mà gia đình đưa ra để tìm trường đó là, gần nhà, môi trường giáo dục tốt, bạn bè chăm ngoan, nhưng cũng không có nhiều lựa chọn, bởi tình trạng "cao thì không với tới, dưới thì lại không thông".
Với sức "nóng" của kỳ thi, phụ huynh đứng "ngóng" con sau cánh cổng trường thi vào lớp 10. Ảnh: HH
Đâu là giải pháp?
Chia sẻ về thực trạng có gần 30.000 học sinh không có "vé" vào trường THPT công lập, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngành Giáo dục Thủ đô đã rất cố gắng tăng tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập năm nay lên mức 64%, cao hơn 3 - 4% so với những năm học trước.
Tuy nhiên, ông Cương cũng thừa nhận, áp lực về chỗ học không như sự tính toán cơ học, vì còn lệ thuộc rất nhiều vào nhu cầu, lựa chọn của phụ huynh, học sinh. Điều này dẫn tới tình trạng có nơi không tuyển đủ chỉ tiêu, có nơi áp lực quá lớn vì số học sinh đông, trong khi trường công quá ít.
“Hà Nội kiên trì chủ trương bảo đảm 100% số học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các loại hình trường học của Thủ đô đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh”, người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô khẳng định.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, hệ thống trường công lập tại Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt là ở các quận nội thành như: Hoàng Mai, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Long Biên...
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến hiện tại, 5 quận thiếu nhiều trường THPT công lập nhất là: Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm. Rõ ràng, việc mở rộng hệ thống trường công lập ở Hà Nội chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số.
Báo cáo của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, từ năm 2020 - 2023, toàn thành phố chỉ xây dựng được 6 trường THPT công lập mới, trong khi nhu cầu thực tế đòi hỏi phải có ít nhất 30 - 35 trường mới trong giai đoạn 2025 - 2030. Điều này khiến tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập ngày càng cao, gây áp lực lớn lên học sinh và phụ huynh.
Để giải quyết tình trạng này, theo các chuyên gia, Hà Nội cần có những giải pháp mang tính dài hạn và bền vững. Trước hết, thành phố cần đẩy mạnh việc xây dựng thêm các trường THPT công lập để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Theo kế hoạch, Hà Nội dự kiến xây thêm 30 - 35 trường công lập mới trong giai đoạn 2025 - 2030.
Bên cạnh đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cần cải thiện chương trình đào tạo, đảm bảo học sinh có thể tiếp cận với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Một số chuyên gia cũng đề xuất mô hình trường công - tư kết hợp, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục vừa tăng cơ hội học tập cho học sinh. Đồng thời, thành phố cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các học sinh theo học trường tư thục, giúp giảm áp lực kinh tế cho gia đình.
Việc gần 30.000 học sinh không có chỗ vào công lập là một vấn đề đáng suy ngẫm, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý giáo dục. Nếu có những giải pháp phù hợp, phụ huynh, học sinh sẽ giảm bớt được áp lực thi cử. Đồng thời, các em cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân và lựa chọn con đường phù hợp nhất với khả năng, điều kiện của mình.