Điện ảnh Quân đội nhân dân và những thước phim xuyên thế kỷ

Gần 1.400 bộ phim các thể loại, hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa và hàng nghìn phút phim tư liệu kỹ thuật số trong hơn 60 năm qua của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã khẳng định vai trò của người nghệ sĩ, chiến sĩ văn hóa tiên phong trong cả thời chiến và thời bình.

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập (17-8-1960/17-8-2023), Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình hình thành, phát triển của Điện ảnh Quân đội nhân cả trong chiến tranh và hòa bình.

Phóng viên (PV): Tiếp nối truyền thống của những thế hệ đi trước và nhìn lại chặng đường hơn 60 năm thành lập, xin đồng chí cho biết dấu ấn thời kỳ đầu mới ra đời của Đoàn Điện ảnh Quân đội là gì?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Ngày 17-8-1960, Điện ảnh Quân đội nhân dân được thành lập với tên gọi Đoàn Điện ảnh Quân đội. Từ những ngày đầu hoạt động, đơn vị đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, hòa mình vào cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Tuy trang thiết bị còn hạn chế, nhân lực còn thiếu thốn, non trẻ về nghề nghiệp nhưng với ý chí quyết tâm của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ, Đoàn Điện ảnh Quân đội đã vượt qua gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Với chiếc máy quay phim và khẩu súng, đội ngũ phóng viên chiến trường đã có mặt ở mọi chiến hào, trên khắp các mặt trận miền Bắc, miền Nam, sát cánh cùng Quân tình nguyện Việt Nam ở hai nước bạn Lào, Campuchia.

Những thước phim quý giá được ghi trực tiếp tại chiến trường, những bộ phim lịch sử được đánh đổi bằng máu, là một trong những dấu ấn mạnh mẽ nhất của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thời kỳ ấy. Cùng với đó, quá trình vừa chiến đấu vừa trưởng thành của Điện ảnh Quân đội nhân dân từ một đơn vị thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân lực mỏng, đã lớn mạnh và khẳng định vai trò của người chiến sĩ văn hóa tiên phong trên mọi mặt trận cũng là một dấu ấn lịch sử đáng tự hào.

PV: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất nhiều bộ phim của Điện ảnh Quân đội ra đời trong khói lửa chiến tranh như “Người Hàm Rồng”, “Dòng thác bạc”, “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào”… đã đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, cảm nhận của đồng chí ra sao về những tác phẩm điện ảnh giàu tính lịch sử này?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Để có được những thước phim chân thực, phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã lên đường ra mặt trận cùng với chiếc máy quay phim và khẩu súng trên tay. Cũng chính từ nơi mưa bom bão đạn ấy, nhiều bộ phim chân thực và sinh động nhất về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã được các phóng viên Điện ảnh Quân đội nhân dân ghi lại.

Cảnh trong phim Trở về Khe Sanh, tái hiện nhiều chi tiết lịch sử trong Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh được công chiếu cuối tháng 6-2023.

Những bộ phim như “Người Hàm Rồng”, “Dòng thác bạc”, “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào”, “Hà Nội – Bản hùng ca”, “Quanh địa ngục Cồn Tiên”, “Một ngày Hà Nội”… đã mang hơi thở cuộc sống, sức nóng của chiến trường ác liệt. Không chỉ thế, các bộ phim còn khắc họa chân dung về những con người quả cảm, gan dạ. Đó là những công nhân ngày đêm bám máy, đóng thuyền vượt thác chở hàng ra mặt trận; là những nông dân cần cù chất phác, đau xót trước những cảnh đồng ruộng bị tàn phá nhưng khi cần thì có thể hy sinh tất cả cho chiến thắng; là những cô gái lúc chạm trán với quân thù rất gan góc, quật cường, nhưng ra khỏi trận địa vẫn cất cao tiếng hát; những chiến sĩ gan dạ chắc tay súng, tay pháo đối diện với kẻ thù trong làn mưa bom, bão đạn không hề nao núng; là lòng dũng cảm, sự bình tĩnh của người dân để giữ vững từng tấc đất quê hương đã khiến quân địch khiếp sợ…

Để có được những bộ phim đó, các nghệ sĩ – chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng xông pha dấn thân vào trận địa, dám hy sinh cả tuổi thanh xuân, tính mạng của mình. Các cán bộ, nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân hôm nay cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng độc lập, niềm say mê với nghề mà thế hệ các đạo diễn, quay phim đi trước đã để lại thông qua những thước phim lịch sử quý giá đó. Những thước phim đó đã trở thành những tư liệu quý để lại cho thế hệ tương lai của đất nước hiểu biết hơn về một thời kỳ khó khăn, gian khổ của dân tộc. Những bộ phim lịch sử đó cũng trở thành những chứng nhân cho lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của dân tộc Việt Nam.

PV: Được biết Điện ảnh Quân đội đang lưu giữ hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa được quay trong thời kỳ chiến tranh, để phát huy giá trị của lịch sử bằng điện ảnh, xin đồng chí cho biết những tư liệu đó được bảo quản, lưu trữ và sử dụng vào các bộ phim hiện nay như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Có thể nói, hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa được quay trong thời kỳ chiến tranh là một tài sản vô giá của Điện ảnh Quân đội nhân dân nói riêng, của đất nước nói chung.

Để bảo quản và khai thác tốt hơn kho tài liệu vô giá này, thời gian vừa qua, đơn vị đã xây dựng kho lưu trữ đạt chuẩn hiện đại; đội ngũ bảo quản chuyên nghiệp thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng phim, hạn chế sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, tác động của môi trường. Thực hiện đề án số hóa, telecine từ phim nhựa ra phim kỹ thuật số để trình chiếu rộng rãi, tra cứu và khai thác thuận tiện, khoa học hơn. Ứng dụng công nghệ in telecine và cinevator để làm mới, tái bản những tư liệu cũ bị xuống cấp, tiếp tục bảo quản lâu dài. Để đảm bảo an toàn dữ liệu quý, đơn vị áp dụng song song vừa lưu trữ trên chất liệu nhựa vừa lưu trữ trên ổ cứng.

Với việc bảo quản và số hóa hiệu quả, các tư liệu quý đã được Điện ảnh Quân đội nhân dân khai thác, sử dụng trong các bộ phim tài liệu lịch sử, mang đến những giá trị chân thực, hiệu quả cho tác phẩm. Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện nghiêm quy định quản lý, bảo quản và khai thác tư liệu.

Cảnh trong phim "Sinh tồn" do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện.

PV: Trong thời bình, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật để tiếp nối truyền thống trong quá khứ, xin đồng chí cho biết những nét đặc sắc của những bộ phim được thực hiện trong giai đoạn đất nước hòa bình, độc lập, đã góp phần làm nên thương hiệu phim Điện ảnh Quân đội nhân dân?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, phim tài liệu, điện ảnh với những tác phẩm phản ánh hiện thực của cuộc chiến thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp khán giả. Còn bây giờ, có rất nhiều đề tài, nhiều vấn đề của đời sống được đề cập đến trong các tác phẩm điện ảnh ở các thể loại khác nhau. Vì thế, để tạo được sức hút cho một bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính là điều không hề dễ dàng.

Các bộ phim thuộc 3 thể loại: Phim truyện, phim tài liệu và phim khoa học của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện luôn tôn vinh sự hy sinh, đóng góp trí tuệ, xương máu của thế hệ cha anh cho ngày hòa bình thống nhất đất nước; phản ánh những khó khăn, gian khổ mà người lính phải vượt qua, làm chủ các trang thiết bị, vũ khí, khí tài hiện đại, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng đất nước, bảo vệ lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, gìn giữ hòa bình của Tổ quốc; đề tài hậu phương người chiến sĩ; những vấn đề về hậu chiến (giải quyết hậu quả bom mìn, thương binh liệt sĩ, chất độc da cam, nghĩa tình đồng đội, hòa giải sau chiến tranh…); những tấm gương cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh trong mọi hoạt động công tác và đời sống tại các điểm nóng, vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn, gian khổ; thể hiện các đề tài phim khoa học thuộc lĩnh vực quân sự, quân y, hậu cần… có tính ứng dụng cao phục vụ bộ đội và nhân dân...

Kể cả trong thời chiến hay thời bình, Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn tập trung khai thác về một đề tài trung tâm đó là lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, lấy hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ với sự anh dũng, quả cảm, can trường vượt qua gian khổ hy sinh là hình tượng chính, là nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tác nghệ thuật cho các bộ phim. Có lẽ đây chính là một nét riêng làm nên thương hiệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân – đơn vị sản xuất phim chuyên nghiệp về đề tài người lính.

PV: Trong hành trình 63 năm xây dựng và phát triển, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã khắc phục khó khăn ra sao để hoàn thành nhiệm vụ, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Những năm đầu thành lập, Đoàn Điện ảnh Quân đội là một lực lượng chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, máy móc phương tiện thiếu thốn, thô sơ, trình độ kỹ thuật non trẻ, song đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên, chiến sĩ đã nhanh chóng học tập nâng cao trình độ, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Các phóng viên của Đoàn Điện ảnh Quân đội đã có mặt ở khắp các chiến trường, nhanh chóng hòa nhịp với thời đại, cho ra đời những thước phim tài liệu mang hơi thở nóng bỏng của mặt trận.

Cùng toàn quân và toàn dân bước vào kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam ở hai nước bạn Lào, Campuchia, những nghệ sĩ – chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn đồng hành với bộ đội ở tuyến đầu, trực tiếp đối diện với bom đạn, với những điều kiện khắc nghiệt ở tiền tuyến và nguy cơ thương vong.

Giai đoạn hiện nay, làm phim về lịch sử chiến tranh cách mạng, về người lính sao cho hấp dẫn và đạt được hiệu quả tuyên truyền cũng là một thử thách đối với những người làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Là cơ quan văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền của Quân đội, Điện ảnh Quân đội nhân dân nhận thức sâu sắc về yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là: Phản ánh những giá trị truyền thống của dân tộc qua các cuộc kháng chiến, những phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, tiếp thêm động lực để thế hệ hôm nay hăng hái phụng sự đất nước và dân tộc.

Với tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã gặt hái được nhiều thành tích rực rỡ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Một số danh hiệu cao quý Điện ảnh Quân đội nhân dân đạt được trong 63 năm phát triển và trưởng thành như: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1990; 2 Huân chương Quân công hạng Nhì năm 1980, 1984; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 1968, 1970, 1997; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1990; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1995…

Bên cạnh đó là nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho các tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân như: 15 giải thưởng quốc tế; 31 Giải Bông sen Vàng, 48 Bông sen Bạc, 13 giải thưởng cá nhân xuất sắc, 30 giải khuyến khích và bằng khen tại các Liên hoan phim Việt Nam; 5 giải A-Cánh diều Vàng, 19 giải B-Cánh diều Bạc...

Những danh hiệu cao quý và các giải thưởng phim đã đạt được là động lực mạnh mẽ cho các thế hệ chiến sĩ – nghệ sĩ tiếp tục phát huy truyền thống Điện ảnh Quân đội nhân dân, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ bộ đội và nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...