Bình Phước “đánh thức” giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tỉnh Bình Phước có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc thù. Cùng với định hướng phát triển du lịch, nhiều chương trình nâng cao công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được triển khai, giúp tháo gỡ những khó khăn, "đánh thức", lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử.

Nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc thù

Bình Phước là địa phương có số lượng lớn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 45 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh). Bảo tàng tỉnh Bình Phước hiện lưu giữ hơn 14.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật liên quan đến lịch sử kháng chiến, lĩnh vực dân tộc học, khảo cổ học...

Đồng chí Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết: Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh của tỉnh Bình Phước có tính đặc thù riêng, gắn liền với lịch sử cách mạng, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cụ thể như: Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Tà Thiết, Nhà giao tế Lộc Ninh, kho xăng Lộc Quang, căn cứ cách mạng sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ, nhà tù Bà Rá, di tích quốc gia Mộ 3.000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 3-10-1972... Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này có ý nghĩa rất lớn, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển du lịch.

Khu căn cứ Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) được Bộ tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền tỉnh Bình Phước xây dựng thành khu di tích cấp quốc gia đặc biệt với các hạng mục: Đền thờ Bác Hồ, khu tưởng niệm, nhà ở của các đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh, cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần Miền, Nhà bia tưởng niệm Cục Chính trị Quân giải phóng Miền... Đây là một trong những quần thể di tích mang giá trị lịch sử vô cùng to lớn nhưng vẫn chưa thực sự tạo sức hút đối với người dân và du khách...

Đoàn công tác của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam do Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam làm trưởng đoàn, đến dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Tà Thiết (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), tháng 7-2023. 

 

Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát triển du lịch

Nhằm nâng cao công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước, từ tháng 8-2017, Tỉnh ủy Bình Phước đã có Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 14-8-2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chỉ thị này, Bình Phước đã có nhiều chuyển biến trong công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, huy động được nhiều nguồn lực, có nhiều mô hình hay, sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống từ các di tích lịch sử, văn hóa.

Nhờ đẩy mạnh huy động các nguồn vốn hỗ trợ, các điểm di tích đã được đầu tư, hoàn thiện biển chỉ dẫn, mô tả, áp dụng công nghệ, số hóa dữ liệu, thông tin di tích, hiện vật... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước chủ trì tổ chức nhiều chương trình, hoạt động: Về nguồn, giao lưu giới thiệu các di tích, trưng bày lưu động các kỷ vật, hiện vật, quảng bá điểm di tích ở các địa phương, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, tại các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa lớn. Các di tích bị xâm hại đều được kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định. Đồng chí Lê Thị Ánh Tuyết, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh chia sẻ: Khó khăn lớn nhất để tu bổ, phục hồi các di tích là thiếu nguồn kinh phí đầu tư. UBND huyện Lộc Ninh mong muốn được UBND tỉnh Bình Phước, các bộ, ngành liên quan khảo sát, có chương trình hỗ trợ kịp thời nhằm tăng cường bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đồng thời có các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, viên chức làm công tác bảo tồn, quản lý các di tích lịch sử.

Địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có 24 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 18 di tích do UBND huyện Lộc Ninh quản lý. Do nhiều nguyên nhân, một số di tích đang có tình trạng xuống cấp, chưa được đầu tư, tu bổ tương xứng. Cụ thể như: Bồn xăng-Kho nhiên liệu VK98; Bệnh viện Lộc Ninh, công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc; Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Địa điểm chiến thắng Dốc 31.

Đồng chí Hà Anh Dũng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Bình Phước, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài cho rằng: Vấn đề xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, kết hợp hoạt động du lịch gắn với di tích cần được đổi mới, đẩy mạnh theo hướng rà soát lại tổng thể các công trình, di tích để có phương án đầu tư hợp lý, sát yêu cầu; đẩy mạnh số hóa trong quản lý di tích, hiện vật lịch sử, tuyên truyền trên nền tảng internet; nghiên cứu phối hợp công-tư trong xúc tiến, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích.

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết