Dẫn đường vào thế giới cái đẹp

Mỹ học hiểu đơn giản là triết học về cái đẹp; nghiên cứu bản chất, quy luật cái đẹp trong thiên nhiên, xã hội, con người và nghệ thuật; đồng thời nghiên cứu nguyên lý, phạm trù về việc nhận định và cảm thụ của con người với cái đẹp.

Có hiểu biết về mỹ học, công chúng sẽ không còn lúng túng trước một số hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội, nhất là trong văn hóa-văn nghệ. Để đáp ứng nhu cầu của những người quan tâm đến cái đẹp, PGS, TS Nguyễn Văn Dân đã biên soạn “Từ điển mỹ học” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022).

PGS, TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài (Hội Nhà văn Việt Nam) là nhà nghiên cứu văn học, mỹ học hàng đầu. Được đào tạo bài bản về ngữ văn ở Romania, ông hiểu tầm quan trọng của từ điển đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

 Bìa cuốn sách. 

Thông thường, để tìm hiểu một lĩnh vực nào đó, người ta thường bắt đầu bằng những cuốn sách có tính chất nhập môn, trình bày lịch sử vấn đề và từ điển. Nghịch lý trong nhiều lĩnh vực ở nước ta là thiếu từ điển, khiến người có nhu cầu tìm hiểu phải mất thời gian tự đọc tài liệu để hiểu sâu, kỹ các khái niệm.

Từ điển là của hiếm, bởi lẽ biên soạn mất rất nhiều thời gian và công sức, thường do một tập thể tác giả chuyên môn cao thực hiện. Ở nước ta, hiện nay, hơn 6.000 nhà khoa học đã bắt tay biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam với 60.000 mục từ. Bên cạnh đó, một số cá nhân trong quá trình học tập, nghiên cứu tích lũy kiến thức chuyên ngành đã tự biên soạn những cuốn từ điển giá trị như: “Từ điển tâm lý học” (Nguyễn Khắc Viện), “Từ điển xã hội học” (Huyền Giang)... “Từ điển mỹ học” của PGS, TS Nguyễn Văn Dân thành hình tương tự. Theo lời ông tâm sự thì cuốn từ điển này mất 20 năm để ra đời, là cuốn sách đầu tiên ông có ý định thực hiện nhưng lại ra đời sau chót.

Với 699 mục từ, “Từ điển mỹ học” đã bao quát toàn diện các khái niệm chính yếu của mỹ học, đặc biệt là về các trường phái, quan niệm gắn với tên tuổi các nhà mỹ học lớn. Lâu nay, sinh viên chuyên ngành văn hóa-văn nghệ muốn hiểu về chủ nghĩa trừu tượng, tác phẩm mở, đa thanh, chất thơ, láy âm... thường sẽ trông chờ vào sự giải thích của giảng viên hoặc phải rất chịu khó tìm đọc tài liệu, tự nghiên cứu, tổng hợp. Các khái niệm có tính lịch sử, có mối liên kết chặt chẽ với các khái niệm khác, ở thời kỳ khác, cho nên không nắm bắt quá trình phát triển vấn đề thì chẳng khác nào “thấy cây mà không thấy rừng”. “Từ điển mỹ học” là công cụ để giải quyết bước đầu những khó khăn kể trên.

Mặt khác, mỹ học vốn do nền học thuật phương Tây xây dựng và phát triển cho nên nhiều thuật ngữ, khái niệm khi chuyển ngữ sang tiếng Việt chưa có cách hiểu thống nhất và thông dụng. “Từ điển mỹ học” bên cạnh sử dụng cách gọi phổ biến nhất ở Việt Nam (chẳng hạn “giải cấu trúc” thay vì “hủy cấu trúc”, “cấu trúc” thay vì “kết cấu”), tác giả còn kỳ công chua thêm từ nước ngoài để bạn đọc tham khảo. Việc chua từ nước ngoài cho các thuật ngữ chuyên môn đó sẽ được ưu tiên cho tiếng nguyên gốc của thuật ngữ, sau đó mới đến tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Giữa tiếng Pháp và tiếng Anh thì tác giả chọn ưu tiên cho ngôn ngữ nào mà thuật ngữ đó được dùng phổ biến hoặc được dùng trong bối cảnh học thuật thịnh hành của môi trường ngôn ngữ đó; khi trong tiếng Pháp và Anh có sự khác biệt thì tác giả chua cả hai thứ tiếng.

Để biên soạn cuốn từ điển này, tác giả đã tham khảo các cuốn từ điển và tài liệu nghiên cứu về mỹ học và văn nghệ của thế giới. Tựu trung, “Từ điển mỹ học” này được soạn ra dành cho đối tượng người có thời gian nhất định nghiên cứu văn hóa-văn nghệ, không phải là dạng từ điển phổ thông thường thức dành cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Với một cuốn từ điển hơn 650 trang, do chỉ một người biên soạn thì không thể đòi hỏi quá nhiều yêu cầu, mục đích. Với lĩnh vực mỹ học, công trình của PGS, TS Nguyễn Văn Dân là cuốn từ điển đầu tiên thuộc một lĩnh vực còn ít được quan tâm ở nước ta. Hy vọng ông và những người nghiên cứu mỹ học thế hệ kế tiếp sẽ có nhiều công trình giá trị có tính nhập môn, định hướng công chúng trong thời gian tới.

Tags: đẹp
Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết