Tham gia buổi làm việc của Tổng Bí thư còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Về phía Ninh Thuận có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Phát biểu định hướng tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự phát triển vươn mình đầy vượt bậc của tỉnh Ninh Thuận và ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong thời gian qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh, kết quả đạt được là đáng mừng, song cũng còn nhiều điểm nghẽn, rào cản, khó khăn, vướng mắc yêu cầu Ninh Thuận phải nhận diện đầy đủ, từ đó tập trung thúc đẩy những lĩnh vực đột phá, mũi nhọn.
Đứng trước những thời cơ, thách thức mới, Tổng Bí thư tin tưởng vào sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn nữa của Ninh Thuận trong việc thực hiện đạt những mục tiêu 2025-2030 và những mục tiêu ở tầm cao hơn. Tổng Bí thư lưu ý năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm khởi đầu cho nhiệm kỳ mới 2025-2030 của Đảng bộ tỉnh, do đó cần chú ý cho nhiệm vụ tổ chức đại hội, kế đó là khẩn trương, không được chậm rãi, từ từ chờ Đại hội toàn quốc của Đảng mà nhất định phải đưa nghị quyết của tỉnh vào triển khai ngay, quá trình triển khai vừa tiếp thu, vừa bổ sung, điều chỉnh để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và lợi ích mhân dân, để Ninh Thuận phát triển nhanh nhất, bền vững nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Ninh Thuận và đánh giá cao sự phát triển vươn mình, sự nỗ lực cố gắng của Ninh Thuận trong thời gian qua |
Chính vì vậy, thông qua buổi làm việc này, Tổng Bí thư muốn lắng nghe Ninh Thuận đưa ra những phương hướng, giải pháp về phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cùng với đó nhận diện được những khó khăn, thách thức cũng như lĩnh vực quan tâm đột phá.
Với tinh thần “cùng gánh vác, cùng tháo gỡ”, Tổng Bí thư đề nghị các Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận thẳng thắn nêu lên những khó khăn, kiến nghị những vấn đề vượt tầm giải quyết của tỉnh để đoàn công tác Trung ương giải đáp cũng như trao đổi, tiếp thu nghiên cứu đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội chỉ đạo, tháo gỡ những vấn đề cụ thể…Thông qua đó, Ninh Thuận có thể tiếp thu, đề xuất những vấn đề với Trung ương. Những khó khăn này phải được tháo gỡ ngay “như đoàn xe đang đi nhưng vướng hòn đá thì phải xuống xe khênh đi, không thể đứng lại chờ đợi mà phải đi luôn. Một việc bé nhưng không tháo thì sẽ gây ra ùn tắc. Làm nhanh, làm tốt, xong việc này để làm ngay các việc khác” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho biết, vừa qua, Trung ương, Quốc hội đã thống nhất khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Thông qua buổi làm việc này, Tổng Bí thư muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn gì của nhân dân Ninh Thuận. “Chủ trương đã có, nhân dân đồng tình thì phải bắt tay vào làm, xây dựng kế hoạch chuẩn bị triển khai đạt hiệu quả, chậm là lãng phí. Nhân dân đã đồng lòng ủng hộ cao thì phải tập trung giải quyết dứt điểm mối bận tâm của nhân dân để khơi thông nhanh cho dự án. Mong muốn sao Ninh Thuận phát triển nhanh nhất, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Lãnh đạo một số Bộ, ngành phát biểu giải đáp những kiến nghị của Ninh Thuận |
Báo cáo với Tổng Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trong bối cảnh có những thuận lợi, thách thức đan xen. Qua 5 năm thực hiện, ước thực hiện hoàn thành 16 /18 chỉ tiêu đề ra, kinh tế-xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9% thuộc top đầu cả nước (riêng năm 2024, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,74%, xếp vị thứ 4/14 tỉnh khu vực; 16/63 tỉnh thành phố). GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 88,2 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/14 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung , đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn của cả nước lên tỉnh có thu nhập trung bình. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp; khai thác hiệu quả được nhiều tiềm năng thế mạnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Dịch vụ, du lịch phục hồi, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, đến cuối năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể, huy động nguồn lực đầu tư đạt kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng thiết yếu liên vùng, kết nối, liên thông đa mục tiêu được tập trung đầu tư.
Về dự án phát triển điện hạt nhân, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, xác định quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tổng diện tích quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 là 1.642,22 ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người/1.100 hộ.
Sau khi công bố quy hoạch địa điểm, Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận đã tập trung tuyên truyền vận động. Vì vậy, đa số nhân dân vùng dự án đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng lòng tự nguyện chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng. Tỉnh chỉ đạo hoàn thành công tác đo đạc, kiểm kê, áp giá bồi thường tại địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, các khu tái định canh, định cư, khu nghĩa trang, với tổng diện tích 479 ha/1.029 ha; đồng thời triển khai 10 dự án thành phần phục vụ tái định cư. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng cử 88 học sinh, sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ hạt nhân tại Liên Bang Nga. Đến nay có 44 em về nước được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giới thiệu việc làm; 29 em tự tìm việc làm; 15 em chưa về nước.
Đối với việc thực hiện dừng chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nêu rõ: Ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trương này đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 02 xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải và vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống-sản xuất. Tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đảng viên, các hội đoàn thể chính trị và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Quốc hội. Thông qua đó đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân, tạo đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.
Để hỗ trợ đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh do tác động chủ trương dừng đầu tư 2 nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Qua 5 năm thực hiện, kết quả triển khai một số chính sách đóng góp tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trung ương hỗ trợ nhiều nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông ven biển, hạ tầng đô thị, thuỷ lợi, hạ tầng để phục vụ hỗ trợ khôi phục sản xuất, đời sống nhân dân hai vùng dự án.
“Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã tạo động lực mới đột phá, phát triển kinh tế của tỉnh, đến cuối năm 2024 đã đưa vào vận hành thương mại (COD) 57 dự án với tổng công suất 3.749,942 MW, cao nhất cả nước, chiếm 18% tổng công suất toàn quốc; tỷ trọng ngành năng lượng chiếm 24,6% GRDP của tỉnh, đóng góp trên 25% tổng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm khoảng 4.150 lao động” – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc, giải đáp một số kiến nghị của Ninh Thuận về phát triển năng lượng và điện hạt nhân |
Song song với đó, tiềm năng, vị thế của Ninh Thuận được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư ngày càng động bộ, liên thông, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, quy hoạch chuyển đổi đất đai, tạo điều kiện ổn định sản xuất nhưng vẫn bảo đảm chủ trương giữ vị trí đã quy hoạch bảo đảm thuận lợi để thu hồi khi tái khởi động nhà máy Điện hạt nhân trong tương lai.
Để dự án điện hạt nhân nhanh chóng triển khai, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng nhà máy Điện hạt nhân; điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các Quy hoạch ngành quốc gia về phát triển Điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân như: (i) Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để đồng bộ với Luật chuyên ngành về xây dựng, điện lực, bảo vệ môi trường; (ii) Hệ thống các tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật về đầu tư điện hạt nhân để có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.
Cùng với đó, Ninh Thuận cũng đề nghị Trung ương cho chủ trương để tỉnh sớm điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung định hướng phát triển Nhà máy điện hạt nhân; lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai; tính toán lại kịch bản phát triển; đồng thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển Điện hạt nhân để bảo đảm điều kiện triển khai.
Đồng thời, trên cơ sở lộ trình triển khai dự án các nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, cho phép tỉnh chủ động tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng Nhân dân vùng dự án; tăng cường công tác tuyên truyền thông tin, vận động tạo đồng thuận Nhân dân khi dự án được triển khai. Tiếp tục đồng ý cho tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế-xã hội của địa phương có Nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên cơ chế phát triển nhân lực, hạ tầng trọng điểm.
Với những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang gặp phải, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Chính trị sớm cho ý kiến, có cơ chế xử lý vướng mắc các dự án điện mặt trời, điện gió theo Kết luận 1027/KL-TTCP, ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ, trong đó có dự án điện mặt trời, điện gió của tỉnh Ninh Thuận để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Trả lời một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất một số giải pháp để Ninh Thuận phát triển nhanh, bền vững như chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư, đại diện một số bộ, ngành đã có những trả lời cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có báo cáo Tổng Bí thư về tổng quan dự án điện hạt nhân và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về buổi làm việc...