COP29 đạt được thỏa thuận quy tắc thị trường tín chỉ carbon toàn cầu: Dấu mốc quan trọng trên hành trình xanh
Các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, mở đường cho hoạt động giao dịch song phương “mặt hàng” đặc biệt này.
Đây được coi là dấu mốc quan trọng trên hành trình xanh để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu.
Là thành quả sau gần 1 thập kỷ đàm phán quốc tế, thỏa thuận về thị trường tín chỉ carbon - quy định trong Điều 6.4 và 6.2 - đã được thông qua giữa những tràng pháo tay trong phiên họp toàn thể của COP29. Thỏa thuận mở đường xây dựng một hệ thống giao dịch tín chỉ carbon trung tâm nằm dưới sự quản lý của Liên hợp quốc, có thể đi vào hoạt động ngay trong năm tới. Bên cạnh hệ thống giao dịch toàn cầu, thỏa thuận cũng mở đường cho việc thiết lập cơ chế giao dịch tín chỉ carbon giữa các quốc gia.
Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án xanh, như trồng cây hoặc xây dựng các trang trại điện gió. Nỗ lực này có thể được triển khai ở một quốc gia nghèo hơn cho phép quốc gia đó nhận được tín dụng dựa trên mỗi tấn khí thải cắt giảm hoặc “hút” ra khỏi khí quyển. Các quốc gia và công ty sau đó có thể mua tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu và yêu cầu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thỏa thuận về thị trường tín chỉ carbon chứng kiến sự thỏa hiệp đáng kể giữa các luồng ý kiến. Liên minh châu Âu (EU) trước đây kêu gọi sự giám sát chặt chẽ của Liên hợp quốc và nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch tín chỉ carbon, trong khi Mỹ muốn các nước có quyền tự chủ hơn trong việc thiết lập các thỏa thuận riêng. Giờ đây, thỏa thuận bảo đảm có dịch vụ đăng ký miễn phí cho các nước không đủ khả năng thiết lập hệ thống đăng ký riêng, nhưng cũng quy định những ghi nhận giao dịch trong hệ thống này chưa đồng nghĩa với việc tín chỉ được Liên hợp quốc chứng nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, châu Âu đã có sự nhượng bộ đáng kể trước các yêu cầu của Mỹ để bảo đảm thỏa thuận được thông qua.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn đánh giá cao ý nghĩa của thỏa thuận, cho rằng dấu mốc mới này sẽ giúp các quốc gia đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch khí hậu, giảm thiểu chi phí, nhanh chóng hướng đến mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ này. Các quy tắc đặt ra cũng được kỳ vọng có thể thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thúc đẩy niềm tin để các nhà đầu tư mạnh dạn tiến vào lĩnh vực này. Giá trị của thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Các ý kiến phân tích cũng đánh giá, thỏa thuận đạt được tại COP29 còn tạo ra sự cân bằng phù hợp để tiến tới xây dựng bộ quy tắc rõ ràng, toàn vẹn và minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các quốc gia mong muốn giao dịch tín chỉ carbon. Điều này đặc biệt quan trọng khi các giao dịch song phương đã manh nha. Tháng 1-2024, Thụy Sĩ đã ký kết thỏa thuận mua tín chỉ carbon từ Thái Lan, mở đầu cho hàng chục thỏa thuận tương tự giữa các quốc gia.
Sau những viên gạch đầu tiên tại COP29, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu vẫn cần được làm rõ nhiều khía cạnh trong năm 2025 - đặc biệt là ở COP30 tại Brazil - để trở nên toàn diện và mang tới những hiệu quả thực sự. Thực tế, ngay cả khi thỏa thuận đã được thông qua, các nhà đàm phán đã dành phần lớn thời gian còn lại ở Azerbaijan để cố gắng thống nhất các chi tiết về hệ thống giao dịch song phương; cách thức xây dựng cơ chế đăng ký theo dõi tín chỉ; khung quy định lượng thông tin mà các quốc gia phải chia sẻ về các thỏa thuận của mình; cách thức giải quyết các trục trặc phát sinh... cũng như khả năng giao dịch carbon có thể thay thế các cam kết tài chính khí hậu thực sự.
Dù thế nào cũng không thể phủ nhận thỏa thuận về thị trường tín chỉ carbon tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng cơ chế giảm khí thải toàn cầu. Tuy việc triển khai hiệu quả thỏa thuận còn phụ thuộc vào cam kết và sự minh bạch của các quốc gia, nhưng rõ ràng có thể tạo ra một thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu. Điều này đồng nghĩa nhân loại sẽ có được một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu