PCI 2023: Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát phản ánh trong báo cáo PCI và PGI 2023 đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố

Cùng với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.

“Chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát. Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công thông tin.

Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 của các địa phương trên cả nước, với 71,25 điểm, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI; các vị trí tiếp theo là Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp… Đây là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu PCI và năm thứ 11 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở vị trí phía dưới Top 30, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bám sát nhau ở vị trí 27 và 28.

Tính theo tỷ lệ các tỉnh trong từng vùng thuộc Top 30 của PCI 2023, vùng Đồng bằng sông Hồng đứng đầu (63,6%), tiếp theo là các vùng Đồng bằng sông Cửu Long (61,5%), Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên (20%).

Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023

Báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khả quan: Tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống 42,3%.

GS. Edmund Malesky - Giám đốc nghiên cứu Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhận định, mối liên quan giữa điểm số cao trong một số chỉ tiêu PGI với việc địa phương có chất lượng môi trường tốt hơn hoặc khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu cao hơn. Với các chỉ số thành phần cụ thể, các địa phương phải đối mặt với nguy cơ về thiên tai lớn hơn cần tập trung vào chỉ số thành phần 1 - Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai. Các tỉnh, thành phố đạt điểm cao ở chỉ số này được doanh nghiệp đánh giá tích cực không chỉ ở công tác phòng chống mà còn có giải pháp ứng phó với thiên tai, giảm thiểu ô nhiễm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiệt hại.

Báo cáo PCI và PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.

 

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 7
Tác giả: Diệu Linh