Giảm ô nhiễm bằng giải pháp giao thông xanh

Sáng mùa đông ở Hà Nội, bầu trời xám xịt, khói bụi lơ lửng trong không khí. Từ trên cao nhìn xuống, xe cộ cuồn cuộn khói giữa dòng người vội vã. Dù ai cũng bịt mặt, mùi khói vẫn len lỏi qua khẩu trang, bám vào từng hơi thở.

Giảm ô nhiễm bằng giải pháp giao thông xanh

Ô nhiễm không khí từ những đại công trường ở Hà Nội. Ảnh: Tùng Giang

Con số biết nói

Theo hệ thống quan trắc của IQAir, những ngày đầu năm 2025, Hà Nội thường xuyên đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Chỉ số AQI nhiều ngày vượt ngưỡng đỏ, nâu, thậm chí tím - mức nguy hiểm nhất cho sức khỏe con người.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, thẳng thắn: “Người dân Hà Nội đang hít thở lượng bụi mịn PM2.5 cực cao. Đây là loại bụi nguy hiểm, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, đi vào hệ tuần hoàn máu, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấpđột quỵ.”

Theo thống kê, trung bình một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần một ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hằng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở.

“Với hơn 6 triệu xe máy và gần 800.000 ôtô chạy xăng dầu hoạt động hằng ngày, Hà Nội đang bị bóp nghẹt bởi chính phương tiện của mình” - TS Tùng chỉ rõ. Ở những nút giao thông lớn như Ngã Tư Sở, đường Giải Phóng hay cầu Chương Dương, khói bụi bốc lên dày đặc, bám chặt vào từng tòa nhà, vỉa hè.

Trên đường Trường Chinh - một trong những trục đường chính của Thủ đô - anh Nguyễn Văn Hiếu, một người dân sinh sống tại đây, cho biết: “Mỗi ngày tôi đều phải lau ban công, nhưng cứ sáng lau xong, chiều bụi lại bám đầy. Khí thải xe cộ quá kinh khủng”.

Câu chuyện ô nhiễm không khí không chỉ của riêng Hà Nội. Bắc Kinh từng đứng đầu danh sách ô nhiễm toàn cầu nhưng đã thành công trong việc kiểm soát chỉ trong 2 năm. Thành phố này áp dụng hàng loạt biện pháp như chuyển đổi toàn bộ xe buýt dầu sang xe điện, loại bỏ các nhà máy nhiệt điện xung quanh và siết chặt kiểm soát phương tiện giao thông chạy xăng dầu.

PGS TS Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV - nhận xét: “Hà Nội cần học hỏi quyết tâm chính trị và cách tổ chức đồng bộ như Bắc Kinh. Chuyển đổi giao thông xanh là bước đầu tiên, nhưng quan trọng nhất là sự đồng lòng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân”.

Tiếng nói từ cộng đồng

Tại lễ phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh” ngày 10.1, Tập đoàn Vingroup đã công bố loạt giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh. Họ không chỉ kêu gọi ý thức cộng đồng mà còn đưa ra những hành động thiết thực như hỗ trợ tài chính lên tới 70 triệu đồng cho người mua xe điện, giảm giá vé VinBus và các ưu đãi khác dành riêng cho người dân Hà Nội.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup - nhấn mạnh: “Một Hà Nội xanh sạch không phải là giấc mơ xa vời. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta”.

Trở lại phố cổ, bà Lê Thị Mai, 62 tuổi, người dân phố Hàng Đào, vừa bận rộn tưới chậu cây nhỏ bên hiên nhà, vừa bày tỏ: “Chúng tôi thấy các xe điện chạy VinBus sạch sẽ hơn hẳn. Giá như Hà Nội có thêm nhiều xe như thế, không khí chắc chắn sẽ cải thiện”.

TS Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng: “Việc chuyển đổi xanh cần sự tham gia của tất cả. Người dân có thể bắt đầu từ việc nhỏ như ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế rác thải và trồng thêm cây xanh”.

Chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh” là một tín hiệu khởi đầu. Nhưng để có một Hà Nội đáng sống, bầu trời trong lành, cần nhiều hơn nữa những hành động quyết liệt từ tất cả mọi người.

Thủ đô sẽ ra sao trong tương lai, phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay.

Lượt xem: 15
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...