Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát khu vực sạt lở ở Đà Lạt

Đoàn chuyên gia Kawasaki Nhật Bản với 3 kỹ sư địa chất có nhiều kinh nghiệm đã đến khảo sát khu vực sạt lở tại Đà Lạt.

Nhận lời mời của UbND Tp.Đà Lạt, đoàn chuyên gia Nhật Bản đến khoả sát hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 Tp.Đà Lạt.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản với 3 kỹ sư địa chất có nhiều kinh nghiệm trong việc khảo sát địa vật lý và đo đạc gồm các ông Takami Kanno, Numakunai Makoto và Kumagai Yuga.

Dân sinh - Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát khu vực sạt lở  ở Đà Lạt

Đoàn chuyên gia của Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản)

Sáng 18/7, đoàn chuyên gia Nhật Bản đến khảo sát hiện trường khu vực sạt lở kinh hoàng ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10, Tp.Đà Lạt

Cụ thể, đoàn chuyên gia của Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) được ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng) cùng các ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn đi thực tế hiện trường khu vực sạt lở kinh hoàng ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10.

Đoàn đã khảo sát khu vực phía trên bờ kè ta luy đúc bằng bê tông (đã bị sạt trượt), đồng thời đến hẻm 36 Hoàng Hoa Thám để khảo sát từ dưới lên trên và ghi nhận nhiều hình ảnh cận cảnh để nghiên cứu.

Sau khi khoả sát khu vực sạt lở ở phường 10 và một số vị trí khác trên địa bàn Tp.Đà Lạt, đoàn chuyên gia đã có buổi tham vấn với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Dân sinh - Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát khu vực sạt lở  ở Đà Lạt (Hình 2).

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cảm ơn sự quan tâm của các chuyên gia Nhật Bản đối với Tp.Đà Lạt khi sự cố sạt lở đất xảy ra rạng sáng 29/6 vừa qua.

Trước đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) đã từng khảo sát, tham vấn và giúp Tp.Đà Lạt khắc phục sự cố sạt trượt đất ở khu vực đầu đường Nguyễn Văn Trỗi (Đà Lạt) vào tháng 4/2017, rất hiệu quả.

Ông Takami Kanno thay mặt đoàn chuyên gia chia sẻ sự thiệt hại với các gia đình và tỉnh Lâm Đồng do sự cố sạt lở đất gây ra làm 2 người tử vong và nhiều nhà cửa, tài sản bị hư hỏng. Ông Kanno cho biết vào tháng 7/2021, ở Atamin Shizuoka (Nhật Bản) cũng xảy ra vụ sạt lở đất tương tự ở Đà Lạt và cũng gây thiệt hại lớn về con người và tài sản.

Các chuyên gia Nhật Bản đã chiếu hình vệ tinh chụp lại khu vực sạt lở ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (Tp.Đà Lạt) từ những năm 2015, 2021, 2022 và 2023 để thấy rõ sự tác động của con người. Cụ thể, hình vệ tinh năm 2015 lúc đó chỉ có bờ ta luy nhỏ phía trên, sau năm 2021 tại đây xây thêm 2 bờ kè ta luy nữa. Bờ ta luy cũ xây xong không xảy ra vấn đề gì, nhưng 2 bờ ta luy mới xây lại có vấn đề.

Dân sinh - Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát khu vực sạt lở  ở Đà Lạt (Hình 3).

Đoàn chuyên gia thuộc Công ty cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) tại buổi tham vấn với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng

Quan sát thấy bờ ta luy xây không tốt, khi sạt lở kéo theo khoảng 20.000 m3 đất xuống phía dưới, ông Kanno nhận định nguyên nhân do nước tích trong bờ ta luy quá lớn không thoát được nên gây sạt lở.

Ông Kanno đề xuất, do địa hình Đà Lạt núi đồi, các khu dân cư bên dưới, tiềm ẩn sạt lở đất cao. Do đó, cần tạo ra bản đồ khoanh vùng, đánh dấu các vùng có nguy cơ sạt lở đất để nhanh chóng phát hiện sự cố sạt lở đất.

Tỉnh Lâm Đồng nên thiết lập quy chế xây dựng, khu vực nào được xây bờ kè bồi đắp đất. Với những khu vực bồi đắp đất cần kiểm tra thường xuyên, thiết lập hệ thống cảnh báo để ứng phó kịp thời. Cần khảo sát, thăm dò địa chất, kiểm tra độ an toàn của các công trình xây dựng để phòng ngừa sạt lở, lắp đặt thiết bị theo dõi nhằm giảm nguy cơ sạt lở. 

Dân sinh - Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát khu vực sạt lở  ở Đà Lạt (Hình 4).

Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra rạng sáng 29/6 vừa qua.

Chuyên gia Nhật Bản đề xuất dùng hình ảnh vệ tinh để giám sát quản lý việc tác động bồi đắp đất ở những khu vực đồi cao. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tổ chức định kỳ để phòng ngừa sạt lở đất.

Ông Bùi Quang Sơn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, đặt vấn đề làm sao để Đà Lạt vừa phát triển vừa đảm bảo môi trường, chống sạt trượt đất. Theo ông Sơn, ở Đà Lạt có mạch nước ngầm, có vị trí khi xây dựng kè chắn làm thay đổi mạch nước ngầm. 

Ông Sơn đồng tình với tham vấn của các chuyên gia Nhật Bản, Đà Lạt cần làm bản đồ cảnh báonguy cơ sạt lở; tổ chức thăm dò địa chất những khu vực có nguy cơ sạt lở.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc đưa ra 2 nguyên nhân sạt lở đất, có thể do biến đổi tự nhiên qua thời gian và có sự tác động của con người. Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học, các trường đại học và các chuyên gia Nhật Bản tham dự để tư vấn về lĩnh vực xây dựng, sạt trượt đất, xử lý nước ngầm…

Tỉnh Lâm Đồng sẽ thiết lập bản đồ cảnh báo những khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở cao, Đà Lạt sẽ thực hiện trước. Bên cạnh đó, cần có thiết bị lắp đặt để theo dõi, cảnh báo sạt lở. Tiếp đó là việc quản lý quy hoạch xây dựng, nơi nào có nguy cơ sạt lở cao không được tác động, không cho xây dựng; khu vực có nguy cơ sạt lở cho phép xây dựng mức độ nào, quy mô nào là hợp lý.

Lượt xem: 4
Tác giả: Nguyễn Phi Long
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...