Bảo tồn voi ở Đắk Lắk, đã thấy ánh sáng cuối... đường hầm: Voi nhà hạnh phúc giữa đại ngàn

Những con voi nhà khi được trở về môi trường sống tự nhiên trong rừng, chúng ngày càng thoải mái. Voi ngày càng khỏe mạnh, mập ra trông thấy. Thực tiễn này đang tạo ra hy vọng cho khả năng chúng có thể ghép đôi, sinh sản, nhân đàn... trong tương lai.

Bảo tồn voi ở Đắk Lắk, đã thấy ánh sáng cuối... đường hầm: Voi nhà hạnh phúc giữa đại ngàn

Những bước chân hạnh phúc của voi nhà khi được trả về môi trường rừng xanh, tự nhiên. Ảnh: Phan Tuấn

Voi nhà ngày càng mập và khỏ

Một ngày đầu tháng 7, có mặt tại những cánh rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Vườn quốc gia Yok Đôn quản lý, chúng tôi chứng kiến nhiều con voi nhà thoải mái dạo bước giữa rừng xanh.

Voi H’Pló năm nay 50 tuổi. Trước đây chủ của nó, ông Y Lư Êban ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk chăm sóc. Hiện nay, H’Pló đã được tự do trong rừng Yok Đôn, không còn phải phụ thuộc vào môi trường sống do con người sắp đặt. Nhìn voi H'Pló, chúng tôi cảm nhận được nó đang vô cùng hạnh phúc. Đặc biệt, khi chứng kiến H’Pló lội ngược nước, tìm kiếm thức ăn, thỏa thích giữa rừng, nó toát lên một năng lượng tích cực, sung mãn.

Ông Y Lư Êban cho biết: "Voi khi trở về rừng thì chúng như được nạp thêm năng lượng, tinh thần phấn chấn nên nhìn voi ngày một trẻ ra. Voi có thêm sức khỏe, còn nài voi như chúng tôi thì vẫn có thu nhập nên tôi hết sức phấn khởi, vui mừng".

Y Vi Siên Niê, trú xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là chủ voi nhà có tên là Thông Ngân cho biết, trước đây Thông Ngân phải cõng khách, ăn uống thất thường nên sức khỏe yếu. Năm 2018, anh Y Vi Siên Niê ký hợp đồng, đưa voi vào thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi. Từ đó, Thông Ngân được giải phóng, tự do tìm kiếm thức ăn tự nhiên trong rừng nên ngày càng căng tròn, khỏe khoắn.

Tại Vườn quốc gia Yok Đôn, voi nhà được quản lý có kiểm soát. Tuy nhiên, khu vực chăn thả voi nhà tương đồng với voi hoang dã. Đó là những vùng rừng có nguồn thức ăn dồi dào, gần nguồn nước, kể cả trong mùa khô. Đến nay, dự án du lịch voi thân thiện đã tăng lên thành 9 cá thể.

Ánh sáng cuối... đường hầm

Theo ông Phước, giai đoạn 2017-2020, trung tâm cùng các chuyên gia đã thực hiện một số giải pháp để chữa vô sinh cho voi. Trong khoảng thời gian đó, có 3 voi cái tại huyện Lắk mang thai. Thế nhưng, voi mẹ vượt cạn không thành, cả 3 voi con đều chết lưu, chết ngạt…

Ông Phước trao đổi: “Mấy chục năm voi nhà Đắk Lắk không tiếp xúc với nhau, không mang thai nên chức năng sinh sản hầu như không hoạt động. Trong khi đó, voi con có trọng lượng hàng chục kg, khiến voi mẹ vượt cạn không thành”.

Theo ông Phước, sau khi 3 voi mẹ sinh sản bất thành, đơn vị đã nghiên cứu đến phương án trao đổi gen voi (mua voi trẻ từ nước bạn về cho sinh sản). Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố liên quan, phương án này bị hoãn.

Ông Phước cho rằng, khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk hiện nay vẫn còn cơ hội. Do đó, mới đây Trung tâm Bảo tồn voi đã có tờ trình gửi đến UBND tỉnh Đắk Lắk, xin phê duyệt đề án cho voi nhà sinh sản trong thời gian tới.

Ông Phước tin tưởng rằng, khi voi nhà không bị lạm dụng để cõng khách, được chăm sóc ở chế độ tốt nhất trong môi trường tự nhiên, cơ hội sinh sản sẽ tăng lên.

“Cơ hội để voi nhà Đắk Lắk sinh sản vẫn còn. Khi được UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi sẽ triển khai ngay. Trường hợp bất đắc dĩ, khi voi Đắk Lắk không sinh sản được nữa, chúng tôi sẽ tính toán lại phương án trao đổi gen” - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi trao đổi.

Trong khi đó, theo ông Trần Đức Phương - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ (Vườn Quốc Gia Yok Đôn), hiện đã có 9 cá thể voi được đưa vào rừng, tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi. Cả 9 cá thể voi đều khỏe mạnh, tìm lại được bản năng trong rừng (có 3 voi đực 6 voi cái).

“Voi nhà đã hòa nhập rất tốt trong môi trường tự nhiên, hiện rất sung sức. Các cá thể voi biết kết bạn, kiếm ăn cùng nhau, sống thành quần thể và chắc chắn sẽ tăng cao tuổi thọ” - ông Phương cho biết.Ông Phương cũng hy vọng, với tình hình hiện tại, khi các cá thể voi khỏe mạnh thì chúng sẽ yêu nhau.

“Việc voi khỏe, hồi phục bản năng, tự do trong môi trường rừng sẽ tạo cơ hội để chúng ghép đôi, mở ra cơ hội cho voi nhà Đắk Lắk mang thai, sinh sản” - ông Phương lạc quan.