Cách Singapore bảo đảm an ninh nguồn nước

Từ lâu, Singapore đã đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước. Do đó, đảo quốc sư tử luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp mới để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Theo AP, một tiếng sấm vang lên khi hàng chục màn hình trong một căn phòng phát hình ảnh về những chiếc ô tô lao qua những con đường ẩm ướt và các hồ chứa thu nước mưa quý giá trên khắp Singapore. Một nhóm nhân viên chính phủ đang giám sát chặt chẽ nguồn nước sẽ được thu thập và lọc để 6 triệu cư dân của đất nước sử dụng. Ông Harry Seah, Phó giám đốc điều hành tại Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB), cho biết: “Chúng tôi sử dụng dữ liệu thời gian thực để quản lý nước mưa. Tất cả lượng nước này sẽ được chuyển đến bến du thuyền và các hồ chứa”.

Căn phòng này là một phần của hệ thống quản lý nước tiên tiến của Singapore. Sự kết hợp của các giải pháp công nghệ, ngoại giao và sự tham gia của cộng đồng giúp một trong những quốc gia đối mặt với tình trạng căng thẳng nhất về nước trên thế giới bảo đảm tương lai về nguồn nước.

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Singapore là một trong những quốc gia có mật độ dân số đông nhất hành tinh. Trong những thập kỷ gần đây, đảo quốc sư tử này đã chuyển đổi thành một trung tâm kinh doanh quốc tế hiện đại với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Sự bùng nổ đã khiến lượng nước tiêu thụ của Singapore tăng hơn 12 lần kể từ khi tách khỏi Malaysia và trở thành quốc gia độc lập vào năm 1965.

Trạm bơm tại Nhà máy tái chế nước Changi ở Singapore. Ảnh: AP 

Không có tài nguyên nước tự nhiên, Singapore phải dựa vào nhập khẩu nước từ quốc gia láng giềng Malaysia thông qua một loạt thỏa thuận cho phép mua nước với giá rẻ từ sông Johor của quốc gia này. Tuy nhiên, thỏa thuận trên sẽ hết hạn vào năm 2061 với sự không chắc chắn về việc gia hạn. Trong khi đó, theo nghiên cứu do Chính phủ Singapore thực hiện, biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn, nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng, dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh nguồn nước. “Đối với chúng tôi, nước không phải là món quà vô tận của thiên nhiên. Đó là một nguồn tài nguyên chiến lược và khan hiếm”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tại lễ khai trương cơ sở xử lý nước vào năm 2021.

Để tìm kiếm giải pháp cho tình trạng căng thẳng về nước, Chính phủ Singapore đã dành nhiều thập kỷ để phát triển một kế hoạch tổng thể tập trung vào cái mà họ gọi là 4 “vòi nước quốc gia”: Trữ nước, tái chế, khử muối và nhập khẩu. Trên khắp Singapore có 17 hồ chứa nước mưa, được xử lý thông qua một loạt quá trình đông tụ hóa học, lọc và khử trùng nhanh chóng; 5 nhà máy khử muối sản xuất nước uống bằng cách đẩy nước biển qua màng để loại bỏ muối hòa tan và khoáng chất, đã tạo ra hàng triệu gallon nước sạch mỗi ngày. Ngoài ra, một chương trình tái chế nước thải quy mô lớn sẽ lọc nước thải thông qua quá trình lọc vi mô, thẩm thấu ngược và chiếu xạ tia cực tím, bổ sung vào các bể chứa nước uống. Được mệnh danh là “NEWater”, nước thải đã qua xử lý hiện cung cấp 40% lượng nước cho Singapore. Chính phủ hy vọng sẽ tăng công suất lên 55% trong những năm tới.

Các giải pháp đổi mới về xử lý nước có thể thực hiện được một phần nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, việc thu hút sự tham gia và ủng hộ của cộng đồng cũng là một phương pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức và bảo vệ nguồn nước. Năm 2006, Chính phủ Singapore đã phát động Chương trình “Nước sạch, đẹp, năng động”. Thông qua chương trình, người dân có thể chèo thuyền kayak, đi bộ đường dài và dã ngoại trên các hồ chứa nước. Một số cơ sở cung cấp nước hiện có không gian xanh công cộng trên mái nhà, nơi người dân có thể dã ngoại giữa những bãi cỏ xanh tươi. Tại trường học, trẻ em được dạy về cách sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Các trường học cũng tổ chức các bài tập mô phỏng về việc phân phối nước.

Công nhân kiểm tra nước sau khi được xử lý tại Nhà máy khử muối Keppel Marina East ở Singapore. Ảnh: AP 
Nhân viên giám sát camera để phát hiện sự cố khi mưa lớn tại Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB). Ảnh: AP 

Cộng đồng quốc tế cũng đã khai thác sự đổi mới về nước của Singapore. Đất nước này đã trở thành trung tâm công nghệ về nước toàn cầu, là nơi đặt trụ sở của gần 200 công ty nước và hơn 20 trung tâm nghiên cứu. Công nghệ nước được phát triển và sử dụng ở Singapore như bộ lọc nước di động, công nghệ kiểm tra nước và công cụ quản lý lũ lụt đã được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia. Tuy nhiên, không phải tất cả các giải pháp được sử dụng ở Singapore đều phù hợp với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn.

Bất chấp những bước nhảy vọt mà Singapore đã đạt được trong hành trình bảo đảm an ninh nguồn nước, Phó giám đốc điều hành PUB Seah nhận định rằng việc tiếp tục nỗ lực là điều cần thiết đối với nước này. Ông Seah nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn không ngừng thực hiện các phân tích về nước. Chúng tôi không bao giờ có thể tự mãn”.

LÂM ANH

Tags: Singapore
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...