Nhiều diện tích cây trồng tại Kon Tum có nguy cơ khô hạn
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5.2024. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha ( trong đó diện tích lúa là 780 ha, cây cà phê là 990 ha).
Ngày 21.2, UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Cụ thể, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3.2024, nhiệt độ trung bình cao hơn từ 0,5 -1,2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng kỳ (TBNNCK). Bên cạnh đó, từ tháng 4 đến tháng 6, nhiệt độ toàn tỉnh cũng ở mức cao hơn từ 0,5 - 1,2 độ C so với TBNNCK. Tuy nhiên, lượng mưa tại Kon Tum thấp hơn so với TBNNCK từ 5 - 15%.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cảnh báo về khả năng xuất hiện thời tiết nguy hiểm, nắng nóng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 3 năm 2024. Đây cũng là giai đoạn xảy ra khô hạn, thiếu nước ở các vùng phía Tây, Tây Nam và phía Nam Tỉnh. Nắng nóng có xu hướng mở rộng trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 5.
Theo đó, tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động đến các hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Những vùng được cảnh báo khô hạn, thiếu nước bao gồm thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Ngọc Hồi và các xã ở phía Nam huyện Đăk Glei.
Mực nước và lưu lượng trên các sông, suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Đặc biệt sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP. Kon Tum lưu lượng nước thấp hơn từ 40 - 65%, mực nước thấp hơn các năm từ 0,2 - 1,2 m.
Tại thành phố Kon Tum, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra ở các địa bàn như Phường Trần Hưng Đạo (Các khu vực dự kiến là Tổ dân phố 3, 4, 5, 6 và trường THCS Chu Văn An), xã Đoàn Kết (thôn 6), xã Hòa Bình, xã Ngok Bay, xã Kroong, xã Vinh Quang, xã Đăk Năng, xã Đăk Rơ Wa,...).
Dự báo tình trạng khô hạn, thiếu nước có nguy cơ xảy ra trên diện rộng từ tháng 3 đến tháng 5. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha. Trong đó diện tích lúa là 780 ha, cây cà phê là 990 ha.
Để ứng phó với tình trạng hạn hán trên diện rộng, UBND tỉnh Kon Tum đã đưa ra các giải pháp, phương án cụ thể. Trong đó thực hiện việc tưới nước luân phiên; thường xuyên theo dõi mực nước ở các hồ để chủ động phòng tránh, điều tiết nước hợp lý; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới; thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch được đưa ra. Các đơn vị quản lý cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình, báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý khắc phục.