Bao giờ rừng thôi “chảy máu”?
Mới đây, lực lượng chức năng TP Phú Quốc (Kiên Giang) phát hiện và khởi tố 2 đối tượng về hành vi hủy hoại rừng.
Trước đó, tại huyện Quảng Ninh và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), cơ quan chức năng cũng quyết định khởi tố vụ án hình sự các đối tượng về tội hủy hoại rừng xảy ra trên địa bàn.
Gần đây, tại Quảng Trị, ngoài việc khởi tố vụ án để điều tra, xử lý các đối tượng tham gia phá rừng nghiêm trọng ở xã Đakrông, huyện Đakrông, cơ quan chức năng tỉnh đã kỷ luật những cán bộ có liên quan.
Bảo vệ rừng là nhiệm vụ cấp bách. Ảnh minh họa: TTXVN |
Dù đã có lực lượng bảo vệ, có chế tài xử phạt, nhiều văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp (sở nông nghiệp và phát triển nông thôn), cơ quan kiểm lâm (làm nhiệm vụ thực thi pháp luật lâm nghiệp)... tuy nhiên, cứ một thời gian lại có thông tin về những cánh rừng bị đốn hạ, tàn phá đến nỗi nhiều người xót xa cho rằng rừng bị “chảy máu”. Con số thống kê cho thấy, từ 11.939ha, đến nay, diện tích rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc giảm còn khoảng 6.600ha. Đó là minh chứng rõ nét cho thực trạng đau lòng này.
Tại sao có nhiều lực lượng chức năng, cơ quan quản lý, bảo vệ rừng mà vấn nạn lâm tặc vẫn luôn trở thành chủ đề nhức nhối? Đâu là kẽ hở? Cùng với những câu hỏi là sự bức xúc của nhiều người, bởi người dân vừa vào rừng lấy mật ong là đã bị phát hiện, trong khi cây gỗ đâu phải cây kim mà lực lượng chức năng không hề hay biết? Phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý của một bộ phận cán bộ chính quyền; và cơ quan chức năng chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao?
Kể từ năm 2016, khi Chính phủ có chủ trương cấm khai thác rừng tự nhiên (hay còn gọi là “đóng cửa rừng”), trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình trồng, bảo vệ rừng. Bất kể trong điều kiện, hoàn cảnh nào, người miền núi, vùng đồi hay ven biển... tất cả đều quan tâm đến môi trường, có mục tiêu xem rừng là nguồn sống. Còn nhớ thời điểm đầu năm 2023, dưới thời tiết rét mướt, khi được hỗ trợ của Tổ chức Đoàn kết quốc tế-SODI (Cộng hòa Liên bang Đức), các mẹ, các cụ ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế dù ở tuổi thất thập vẫn không ngần ngại tiên phong vận chuyển giống, đào hố đưa chồi non vào những trảng cát ở quê nhà với hy vọng rừng sẽ lên xanh, để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống cộng đồng.
Hay mới đây, tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Cà Mau đã tổ chức trồng gần 1.000 cây đước, hoạt động nhằm mong muốn góp cây là có rừng...
Bảo vệ rừng là nhiệm vụ cấp bách, ngoài việc nhân lên những hành động đẹp như việc trồng rừng của các mẹ, các cụ ở Thừa Thiên Huế hay LLVT tỉnh Cà Mau, đã đến lúc cần có biện pháp mạnh, cứng rắn hơn đối với các đối tượng lâm tặc. Đặc biệt cần có biện pháp xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ, cơ quan chức năng chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ; xử lý nghiêm số cán bộ kiểm lâm biến chất...
Khi trách nhiệm của những người đứng đầu ở địa phương được xem xét, xử lý thì kẽ hở mới không còn tồn tại và câu hỏi bao giờ rừng thôi “chảy máu” mới có câu trả lời.