Ùn tắc đăng kiểm xe ở Tp.HCM, sau nửa năm vẫn quá tải nghiêm trọng

Giữa tháng 5/2023, các trung tâm đăng kiểm tại Tp.HCM không còn cảnh xe ô tô xếp hàng dài trên đường vì số thứ tự lịch đăng kiểm là… tháng 8.

Quá tải hệ thống, doanh nghiệp thiệt hại

Chầu chực trên hệ thống trực tuyến cả tháng nhưng mọi điểm đăng kiểm đều kín lịch, thậm chí lê la khắp các trạm để lấy số trực tiếp cũng bất thành; đó là tình cảnh cùng cực của không ít chủ xe khi đến lịch đăng kiểm trong thời điểm hầu hết các trung tâm đăng kiểm ở Tp.HCM đều ở trong tình trạng quá tải.

Đầu tháng 5/2023, anh Nguyễn Vân Ngọc, một chủ ô tô ngụ tại quận 7, Tp.HCM bức xúc: "Tôi đã biết tình cảnh khổ sở vì đăng kiểm qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi chính mình đi kiểm định mới thấy khổ gấp nhiều lần. Hiện nay hầu như các trung tâm đăng kiểm đều thực hiện đăng ký lịch hẹn qua ứng dụng trên điện thoại, nhưng khi tôi vào để đặt lịch thì không còn một chỗ trống ở tất cả các trạm trên cả nước".

"Khách quan mà nói thì các kiểm định viên cũng nỗ lực hết sức làm cả ngày đêm để đáp ứng tiến độ và cũng sốt ruột trước sự chờ đợi kéo dài của người dân. Nhưng tôi không hiểu tại sao tình trạng này kéo dài khá lâu rồi mà vẫn chưa khắc phục được, thậm chí còn khiến người đi kiểm định khổ sở hơn?", anh Ngọc hỏi.

Dân sinh - Ùn tắc đăng kiểm xe ở Tp.HCM, sau nửa năm vẫn quá tải nghiêm trọng

Chủ xe cá nhân và doanh nghiệp đều ngao ngán trước cảnh quá tải đăng kiểm.

Còn ông Phạm Minh Tâm, 51 tuổi, ngụ Tp.Thủ Đức là chủ doanh nghiệp vận tải có 6 xe tải vừa hết hạn đăng kiểm. Khi đăng ký qua ứng dụng, ông Tâm nhận được số thứ tự kiểm định vào đầu tháng 8/2023. Như vậy, theo cách xếp lịch trên, các xe của ông Tâm phải dừng hoạt động thêm 4 tháng nữa.

"Những ngày qua, tôi đến các trung tâm tại Tp.HCM và một số tỉnh tìm cơ hội đăng kiểm nhưng không được", ông Tâm cho biết.

Trong khi đó, anh Minh Long, chủ một doanh nghiệp vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu với đội xe hơn 40 chiếc, còn bi đát hơn. Do tình hình ùn tắc trên ứng dụng đăng kiểm gần đây khiến các doanh nghiệp vận tải này phải huy động nhân viên... đăng ký kiểm định.

Theo quy định, 1 số điện thoại chỉ đăng ký tối đa cho 5 phương tiện, vì vậy đội xe của công ty anh Long hàng chục chiếc nên phải huy động nhiều người cùng tìm vị trí còn trống để đăng ký kiểm định.

Theo kế hoạch đăng kiểm, một số xe của doanh nghiệp này đã xếp được lịch hẹn vào ngày 18/4 tại Trung tâm đăng kiểm 72-03D. Tuy nhiên, gần đến ngày kiểm định thì nhận được thông báo hủy do "hệ thống bị lỗi".

"Sau khi bị hủy hàng loạt lịch hẹn như thế, công ty chúng tôi đã có 6 phương tiện hết hạn kiểm định mà đăng ký lại thì đến giữa tháng 6/2023 mới có lịch trống. Trong thời gian này chúng tôi không thể sử dụng xe để kinh doanh, thiệt hại doanh thu bình quân 150 triệu đồng/xe/tháng, chưa kể tiền lương nhân viên, tài xế", anh Long than thở.

Ai chịu trách nhiệm?

Trực tiếp trải nghiệm nỗi khổ khi đưa xe đi đăng kiểm, anh Trần Quốc Thành, ngụ quận Tân Bình, Tp.HCM chia sẻ: "Xe của tôi sẽ hết hạn đăng kiểm vào ngày 6/6. Thế nhưng, ngay từ ngày 24/4, tôi đã phải thức từ 4h sáng đến 8h30 để chen giữa cả biển người nộp sổ chờ gọi tên bốc số hẹn ngày xét xe. Cuối cùng, tôi nhận được thông báo: xe nào hạn từ 1/6 trở đi sẽ bị trả sổ về, trạm chỉ nhận sổ với những xe hết hạn đăng kiểm trong tháng 5".

Anh Thành phải chạy đi hỏi dò xem khi nào mới mở đợt bốc số cho xe hết hạn đăng kiểm trong tháng 6, thế nhưng không nhân viên nào giải đáp. Có chăng, chỉ nhận được mấy câu trả lời chung chung như "khi nào có chúng tôi sẽ thông báo" hoặc "không trả lời riêng"... với đủ thứ lý do. Sau cùng, anh Thành đành phải mang sổ về và tiếp tục canh chừng, chờ đợi.

"Đến sáng 27/4, tôi lại mang sổ lên trung tâm để thăm dò ngày bốc số, nhưng tá hỏa khi nhận được câu trả lời rằng "hiện giờ thứ tự bốc số đến tháng 7". Mới ba ngày trước tôi còn bị trả sổ với lý do chỉ nhận xe hết hạn tháng 5, vậy mà giờ đã qua lịch. Xe tôi hết hạn đăng kiểm vào tháng 6, nộp sớm không nhận, nộp muộn lại thì kêu trễ, thử hỏi làm sao không bức xúc?", anh Thành nói.

Đồng cảm với tâm trạng bất của những chủ xe khi sắp đến hạn đăng kiểm, chị La Phương Ngọc Nhi, ngụ quận 1, Tp.HCM bày tỏ: "Xe của tôi đăng kiểm thành công vào ngày 29/3 (hạn 6 tháng). Giờ tôi lại phải rục rịch đi bốc số để chuẩn bị đăng kiểm tiếp. Vì bây giờ, họ đã bốc tới tháng 7 rồi, nên chỉ chậm một chút là có khi tôi phải nằm chờ tới một, hai tháng, thật sự rất khổ".

Còn Hoàng Thái, ngụ huyện Hóc Môn kể lại: "Tôi đăng kiểm đầu tháng 4, phải vất vả tìm chỗ này, rồi chạy lên chỗ kia, đi tới cả những chỗ xa thành phố 50 km, thậm chí đi nhiều lần mới tìm được một suất. Tôi toàn phải đến sớm từ 3-4h sáng, tức là phải thức dậy từ 2h rồi chạy xe quãng đường 50 km mới tới nơi".

Trong khi đó, anh Trần Minh Giảng, chủ doanh nghiệp vận tải tại quận 12, Tp.HCM đặt dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng khi người dân và doanh nghiệp chịu tổn thất do quá tải đăng kiểm.

"Vấn đề này đã kéo dài hơn 6 tháng nhưng tới nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì công suất đăng kiểm giảm, chỉ còn đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nên càng ngày số lượng xe không kịp đăng kiểm càng tăng lên. Cho dù phát giấy hay đăng ký qua app cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề vì vẫn quá tải. Hệ quả trầm trọng là lãng phí xã hội cực lớn do người dân tốn quá nhiều thời gian để chờ đăng kiểm; doanh nghiệp ùn ứ, xe không thể chạy, chi phí logistic tăng lên bị cộng vào giá hàng hóa. Vậy ai là người đứng ra giải quyết vấn đề này?", anh Giảng hỏi.

Chưa tháo gỡ được vấn đề cấp bách

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ: "Thực tế từ nhiều tháng nay hiệp hội chúng tôi nhận được rất nhiều phản ảnh, bức xúc của các doanh nghiệp hội viên liên quan đến vấn đề đăng kiểm. Tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều quan ngại về nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp vì sẽ bị phạt, bị chậm thực hiện các hợp đồng vận chuyển của khách hàng, và ở một góc độ nào đó gây tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác".

Cũng theo ông Quyền, hiện nay thông tư mới đã có hiệu lực thi hành đối với xe chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu. Giải pháp này ít nhiều cũng có tác động, tuy nhiên số lượng xe thuộc diện miễn kiểm định lần đầu mỗi năm chỉ khoảng 500.000 xe và rải đều trong năm. Do vậy nhóm xe này không đủ tác động làm giảm nhu cầu đăng kiểm hiện nay.

"Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố sẽ có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng là giãn ở chu kỳ kiểm định tiếp theo. Cho nên số lượng xe đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn", ông Quyền chỉ ra.

Dân sinh - Ùn tắc đăng kiểm xe ở Tp.HCM, sau nửa năm vẫn quá tải nghiêm trọng (Hình 2).

Các hiệp hội vận tải đã kiến nghị giãn chu kỳ đăng kiểm xe cơ giới để giải quyết vấn đề nhức nhối hiện nay.

Qua nhiều thảo luận, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận thấy, với tình hình giảm sút nhân sự, giảm bớt công suất và năng lực kiểm định như hiện tại thì chỉ có cách duy nhất là thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại.

"Nếu xe không kinh doanh (xe cá nhân, xe gia đình) không bị áp lực phải dồn đi kiểm định, thì cơ hội sẽ dành cho các loại phương tiện khác và như thế sẽ giảm bớt ùn tắc", ông Quyền nêu quan điểm.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách Tp.HCM, kiến nghị: "Hiệp hội chúng tôi đề xuất cho tất cả các phương tiện đang hoạt động dưới 3 năm đối với xe kinh doanh và 5 năm đối với xe không kinh doanh được miễn kiểm định 3 tháng đến 6 tháng khi đến hạn. Cụ thể, họ chỉ cần mang giấy tờ đến để kiểm tra và được cấp tem kiểm định tiếp theo. Hoặc nếu bí bách quá thì ngành công an có thể thông báo sẽ không xử phạt lỗi quá hạn kiểm định trong thời gian vài tháng để giảm áp lực đổ dồn đi đăng kiểm".

Tuy nhiên, các giải pháp đề xuất hiện nay đều đang bị vướng các quy định. Ví dụ, nếu không có giấy đăng kiểm đúng quy định mà xảy ra tai nạn hay va quẹt, các chủ phương tiện sẽ không được công ty bảo hiểm giải quyết bồi hoàn, thậm chí còn bị quy trách nhiệm.

Đề xuất giãn chu kỳ đăng kiểm

Ngày 26/4, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) kiến nghị cho phép chủ xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải khi hết hạn kiểm định của chu kỳ hiện tại không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm. Chủ xe chỉ cần mang giấy đăng ký và sổ kiểm định đến trung tâm để cập nhật dữ liệu và nhận tem kiểm định mới, phù hợp thời gian được gia hạn.

Theo các chuyên gia, đây là đề xuất hợp lý về mặt kỹ thuật và cũng là giải pháp hiệu quả nhất để chấm dứt quá tải đăng kiểm. Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đồng tình với đề xuất này và cho biết, những xe có chu kỳ kiểm định 6 tháng trước đây, nay được giãn đến 1 năm thì ngay lập tức có thể tự động gia hạn thêm 6 tháng nữa mà không cần đưa xe đến các trạm đăng kiểm để kiểm định lại. Như vậy, sẽ dành được lượng lớn "nốt" đăng kiểm cho các xe tải, xe khách kinh doanh vận tải.

"Với con số 3,1 triệu xe được giãn chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư 02/2023 sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định An toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới trong năm 2023 sẽ ngay lập tức giảm tải hàng tháng cho các trung tâm đăng kiểm. Từ đó, không còn xảy ra tình trạng dồn ứ xe hết hạn kiểm định từ tháng này sang tháng sau theo kiểu vón cục như hiện nay", ông Tạo đánh giá.

Chuyên gia này cũng phân tích thêm, hiện nay, ở Tp.HCM có xe hết đăng kiểm từ tháng 4 nhưng đặt lịch hẹn đến tháng 8 mới được kiểm định. Như vậy, xe phải đắp chiếu 4 tháng ở nhà.

"Nếu là ô tô con cá nhân, xe hết hạn kiểm định, không tham gia giao thông được, người dân có thể lựa chọn xe máy, ô tô buýt để di chuyển. Nhưng nếu là xe kinh doanh vận tải, sẽ gây ra thiệt hại rất lớn, nhân với nhiều doanh nghiệp sẽ tạo ra khoản thiệt hại khổng lồ, không thể lường trước được. Trong khi, tình trạng quá tải đăng kiểm hiện nay lại không phải do người dân gây ra mà đến từ những bất cập trong công tác quản lý lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới. Do đó, cơ quan quản lý phải tìm cách tháo gỡ, giải quyết thỏa đáng cho người dân", ông Tạo nhấn mạnh.

Một ô tô ở chu kỳ tới cho phép kéo dài thêm 6 tháng, vậy ở chu kỳ hiện tại, ô tô này đang mới hơn, đảm bảo chất lượng tốt hơn, hoàn toàn có thể tự động gia hạn kiểm định mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật. Việc giải quyết quá tải hiện nay cũng được coi là một nhiệm vụ cấp bách để ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế - xã hội cho người dân nói riêng và đất nước nói chung, nên về mặt pháp lý hoàn toàn không có vướng ngại.

Nhiều địa phương lúng túng

Trả lời Người Đưa Tin, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho biết, Thành phố này hiện có 40-50% xe rớt đăng kiểm do chủ phương tiện không chịu đi bảo dưỡng. Các xe này quay ra, quay vào trung tâm đăng kiểm nhiều lần làm gia tăng ùn tắc.

Ông An khuyến cáo người dân bảo trì, rà soát xem xe có bị phạt nguội hay không trước khi đi đăng kiểm. Chủ xe nên đăng ký qua ứng dụng, có thể đến các tỉnh thực hiện kiểm định để giảm ùn tắc cho Tp.HCM.

"Hiện, 15/19 trung tâm đăng kiểm ở Tp.HCM đang hoạt động. Trong 4 trung tâm đang đóng cửa, có Trung tâm đăng kiểm 50-06V hết hợp đồng thuê đất và đang tìm mặt bằng, 3 trung tâm còn lại ngưng hoạt động do sai phạm", ông An nói.

Theo ông An, Tp.HCM hiện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đăng kiểm của người dân. Tháng 4 có khoảng 88.000 ôtô cần đăng kiểm, tháng 5 có khoảng 70.000 ôtô. Tuy nhiên, lượng xe có nhu cầu thực tế có thể tăng nhiều vì các tỉnh dồn về Tp.HCM.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, ông Văn Công Phong- Giám đốc Công ty cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh cho hay, việc áp dụng hình thức phiếu hẹn đã giải quyết được tình trạng ùn ứ xe đậu tràn ra đường, gây cản trở giao thông. Phiếu hẹn ngày nào, người dân chủ động đem phương tiện đến kiểm tra ngày đó. Nhưng hình thức này lại gây bất lợi cho chủ phương tiện là trễ hạn đăng kiểm, xe không thể lưu thông. Thiệt hại nhất là các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện vận tải phải tạm dừng hoạt động chờ đến ngày đăng kiểm.

Ông Văn Công Phong cho biết, đơn vị đăng kiểm cũng rất băn khoăn. Chuyện chủ phương tiện lớn tiếng với nhân viên đăng kiểm về những thiệt hại kinh tế mà họ phải gánh chịu là thường xuyên.

Để giải quyết tình trạng trên, Công ty cổ phần Đăng kiểm đã triển khai hình thức đăng kiểm trực tuyến, nhưng có rất ít doanh nghiệp, chủ phương tiện thực hiện. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng người nhận phiếu hẹn trực tiếp "xung đột" với người đăng ký trực tuyến khi cùng lúc đưa phương tiện vào đăng kiểm.

"Tại Tây Ninh, 3 trung tâm đăng kiểm của Công ty dự kiến bảo đảm hoạt động đăng kiểm cho phương tiện trong tỉnh, nhưng trước "sự cố" vừa qua, lượng xe ở các tỉnh, thành lân cận đổ về khiến cả 3 trung tâm đều rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng", ông Công băn khoăn.

Lượt xem: 14
Tác giả: Nguyễn Thành Nhân
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...