Triển khai biện pháp khắc phục sự cố cáp quang biển

Từ cuối năm 2022 đến nay, liên tục xảy ra sự cố về các tuyến cáp quang biển kết nối internet Việt Nam đi quốc tế. Điều này không những gây phiền toái và khó chịu cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua.

Trước tình hình trên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh những biện pháp khắc phục sự cố cáp quang biển, bảo đảm kết nối internet quốc tế thông suốt.

75% dung lượng internet đi quốc tế bị ảnh hưởng

Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển đang được khai thác sử dụng là APG, AAG, AAE-1, SMW-3, IA. Ở thời điểm hiện tại, ngoài tuyến SMW-3, 4 tuyến cáp quang biển còn lại đều đang gặp sự cố. Ngày 24-11-2022, tuyến cáp quang AAE-1 gặp sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Công. Đến ngày 11-12-2022, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố. Tuyến APG gặp sự cố lần lượt vào các ngày 26-12-2022 và 21-1-2023. Đến ngày 28-1-2023, tiếp tục xảy ra sự cố trên tuyến cáp quang IA. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Hậu quả là mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp này. Tuyến cáp quang SMW-3 là tuyến cáp quang "già cỗi" nhất, nhưng lại đang là tuyến cáp quang biển lành lặn duy nhất kết nối internet Việt Nam ra thế giới. 

Một tuyến cáp quang biển của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG LINH 

Hiện nước ta có khoảng 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, hơn 1 triệu công ty ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc internet đi quốc tế bị tắc nghẽn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng khi sự cố xảy ra. Trong bối cảnh hiện tại, Bộ TT-TT quyết liệt chỉ đạo các doanh nghiệp mở ứng cứu hỗ trợ nhau về băng thông đất liền, đặt lợi ích của người dùng internet Việt Nam lên trên hết. Theo đó, từ ngày 11-2, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ dung lượng 100Gbps để hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ứng cứu mạng lưới. Viettel bảo đảm tiếp tục hỗ trợ VNPT mở thêm dung lượng kết nối đi quốc tế.

Là doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, hiện nay, Viettel sở hữu 4 tuyến cáp quang biển và 2 hướng cáp đất liền kết nối quốc tế. Khi cáp quang biển gặp sự cố, Viettel còn 2 tuyến cáp quang biển gồm tuyến AAE-1 hướng đi Singapore và tuyến IA hướng đi Hồng Công. Trong đó, tuyến cáp IA là tuyến chỉ có duy nhất Viettel khai thác từ trước đến nay. Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng băng thông hằng năm và dự phòng số lượng tuyến cáp quang biển thường xuyên đứt, Viettel triển khai thêm 4 tuyến cáp biển từ nay đến năm 2030, trong đó tuyến ADC đã hoàn thành triển khai cập bờ và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023. Tuyến cáp này tăng thêm 18Tbps, giúp tăng gấp 3 dung lượng so với hiện tại (dung lượng kết nối quốc tế của Viettel hiện gần 9Tbps). Bên cạnh đó, Viettel luôn dự phòng 40% dung lượng đi quốc tế để sẵn sàng cho các tình huống đứt cáp, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.

Triển khai đồng loạt 3 giải pháp

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp viễn thông cần phải mở thêm hướng kết nối bằng hệ thống cáp trên đất liền và áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm kết nối đi quốc tế. Các nhà mạng phải bảo đảm dung lượng có sẵn luôn cao hơn ít nhất 10% so với nhu cầu sử dụng của người dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cần chuẩn bị cho tình huống cáp biển có thể tiếp tục gặp sự cố để có phương án bảo đảm kết nối internet Việt Nam đi quốc tế. Bộ TT-TT cũng chỉ đạo Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy phát triển thêm các tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm tính tự chủ. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng có những phương án cụ thể trong bối cảnh lần đầu tiên có một sự cố cáp quang biển diện rộng xảy ra như hiện nay. Các doanh nghiệp viễn thông trong nước đều có cùng quan điểm tháo gỡ khó khăn bằng 3 giải pháp: Mở thêm các hướng truyền tải dung lượng thông qua hệ thống cáp trên đất liền; tăng thêm dung lượng của mỗi tuyến cáp; phối hợp cùng triển khai thêm các tuyến cáp quang biển mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nhất trí chia sẻ dung lượng hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp nghẽn mạng, phục vụ lợi ích chung.

Theo ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, sau khi sự cố xảy ra, VNPT đã làm việc với các đối tác mở thêm kênh kết nối, cũng như mở rộng thêm dung lượng quốc tế trên đất liền, triển khai thêm các biện pháp tối ưu bảo đảm kết nối đi quốc tế cho khách hàng. VNPT cũng cam kết tham gia cùng các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng thêm tuyến cáp quang biển của Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, việc cả 4 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố ở thời điểm hiện tại là hy hữu, nhà mạng khó lường trước được. Dù vậy, qua sự cố này cho thấy, Việt Nam cần thêm các tuyến cáp quang biển mới. Theo Cục Viễn thông, số trạm cập bờ cáp quang biển cũng như số lượng cáp quang biển của Việt Nam quá ít. Hiện nước ta có 5 tuyến cáp quang biển, trong khi đó Thái Lan là 13, Malaysia hơn 30 tuyến, Singapore là 39 tuyến. Từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển, đến năm 2030 có thêm 4-6 tuyến. Dự kiến trong năm 2023 sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang biển mới được đưa vào sử dụng là SJC-2 và ADC. Trong tương lai, cần phải có tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ, để không chỉ giải quyết nhu cầu trong nước mà còn hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối dữ liệu của khu vực, cung cấp băng thông cho quốc tế.

HOÀNG CHUNG

 

Tags: cáp quang
Lượt xem: 32
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết