Trên quan tâm, dưới đồng lòng, quyết tâm

Chỉ huy các cấp và đồng đội luôn quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện giúp tôi vượt qua cú sốc, hòa nhập với mọi người...

Tôi sinh ra ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Hoàn cảnh gia đình tôi thuộc diện khó khăn, mẹ tôi thường xuyên ốm đau, mọi công việc đều do bố tôi gánh vác. 

Trước ngày tôi lên đường nhập ngũ một tuần, mẹ tôi bị tai biến nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Vì thế, những ngày đầu vào đơn vị tôi tỏ ra buồn chán và ít giao tiếp với mọi người. Thương mẹ, thương bố, nhiều đêm tôi nằm khóc một mình... Thấy tôi ít giao tiếp với mọi người, các anh chỉ huy, nhất là chính trị viên đại đội đã gặp gỡ, động viên tôi để tìm hiểu nguyên nhân. Biết hoàn cảnh gia đình tôi, anh gọi điện về thăm hỏi, động viên mẹ tôi. Sau đó, anh cùng đồng chí trung đội trưởng theo dõi, giúp đỡ tôi. Hằng tuần, các anh cho tôi mượn điện thoại gọi về hỏi thăm sức khỏe mẹ, động viên bố và hai em. Đặc biệt, khi bệnh tình mẹ tôi chuyển nặng, chỉ huy đơn vị đã tạo điều kiện cho tôi về chăm sóc mẹ và gửi quà động viên gia đình. Ngày mẹ tôi qua đời, dù công việc đơn vị rất bận rộn nhưng đơn vị vẫn cử người vượt hơn 250km về phúng viếng, chia buồn với tôi và gia đình...

Chỉ huy Đại đội 10 Thông tin trò chuyện, động viên Binh nhất Nguyễn Phạm Sáng. Ảnh: HUY CƯỜNG 

Mẹ đi xa, tôi càng trở nên hụt hẫng. Thế nhưng, trở lại đơn vị tôi luôn có cảm giác ấm cúng như trong gia đình. Chỉ huy các cấp và đồng đội luôn quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện giúp tôi vượt qua cú sốc, hòa nhập với mọi người... Đến nay, đã hơn 18 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi hiểu rõ những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ trung đội, đại đội-những người trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bộ đội. Ban ngày các anh bám nắm thao trường, bám bộ đội để trực tiếp huấn luyện, tổ chức các hoạt động, duy trì chế độ, nền nếp; ban đêm các anh lại soạn thảo giáo án, làm hồ sơ, sổ sách... Dù công việc vất vả, bận rộn nhưng các anh luôn sắp xếp thời gian hợp lý, làm việc khoa học để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa dành cho chiến sĩ sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời. Đặc biệt là những chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn như tôi. Đáp lại những tình cảm, sự quan tâm và sẻ chia đó, tôi đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuối năm 2021, tôi vinh dự được Trung đoàn 335 tặng giấy khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đón nhận thành quả đó, tôi thầm cảm ơn các anh chỉ huy đơn vị, bởi trong thành tích ấy của tôi luôn có hình ảnh của các anh.

Binh nhất NGUYỄN PHẠM SÁNG (Chiến sĩ Đại đội 10 Thông tin, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4)

Làm cán bộ cần công tâm, gương mẫu

Năng lực lãnh đạo, chỉ huy của người đứng đầu là một trong những yếu tố quyết định chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Thành hay bại đều do trình độ xử lý, điều hành, quy tụ sức mạnh tập thể của người “đứng mũi chịu sào”. Người xưa có câu “Một người biết lo bằng kho người làm”. Ví dụ như, để thực hiện một nhiệm vụ, người chỉ huy phải tính toán kỹ lưỡng để đưa ra quyết định sử dụng phương án nào, nhân lực, vật lực ra sao cho phù hợp; những tình huống bất chắc có thể xảy ra... thì mới có thể phối hợp nhuần nhuyễn, chính xác và an toàn, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, muốn cấp dưới nể phục, nghe theo không phải là điều dễ dàng. Làm thế nào để thu phục cán bộ thuộc quyền, khiến họ làm việc không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì lòng yêu nghề, đam mê và gắn bó với đơn vị là câu hỏi đối với nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người chỉ huy luôn phải lo lắng và chịu trách nhiệm trước cấp trên, với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nên không thể tránh khỏi sự nóng nảy và có thể gây khó chịu với cấp dưới, nhưng tất cả vì mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, cán bộ thuộc quyền cần chia sẻ, thấu hiểu cho chỉ huy đơn vị; cán bộ chỉ huy cũng cần rút kinh nghiệm để có phương pháp quản lý, điều hành khoa học hơn, tạo tâm lý thoải mái cho cấp dưới. Từ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, nhiều đồng chí đúc rút kinh nghiệm bằng câu nói: “Trước khi tôi là tôi thì tôi là các đồng chí”, đó là sự từng trải, đồng hành, sẻ chia của người chỉ huy đơn vị với cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cũng là lời động viên, khích lệ cán bộ thuộc quyền phấn đấu nhiều hơn trên cương vị chức trách hiện tại, đừng vì một chút khó khăn mà chùn bước.

Chỉ huy và cấp dưới chỉ khác nhau về cấp bậc, nhưng đều phải làm việc hiệu quả, thậm chí người chỉ huy cần gánh vác những việc khó khăn, nặng nhọc hơn. Thế nên, cần phải gương mẫu trong mọi hoạt động, không tự cho mình quyền đi muộn hoặc có những đặc quyền vô lý hay chỉ việc ngồi một chỗ “chỉ tay năm ngón”; luôn nỗ lực trở thành tấm gương tốt cho cấp dưới về kỷ luật, phong cách và tác phong làm việc. Làm lãnh đạo, chỉ huy có thể nói là một nghệ thuật thu phục lòng người, nhưng trước hết phải khen thưởng, xử phạt rõ ràng, công tâm; biết lắng nghe ý kiến đóng góp và thái độ “biết người biết ta” sẽ giúp người cán bộ nhận được sự tôn trọng, ủng hộ từ cấp dưới.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC THÀNH (Phó chính ủy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, Quân khu 9)

Tags: Quan tâm
Lượt xem: 78
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...