Bồi đắp tình yêu quê hương cho học sinh

Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giáo dục địa phương đã trở thành một nội dung giáo dục bắt buộc và được thực hiện ở các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Công nghệ...

Ở góc độ giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Lê Lợi (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), với những nội dung giáo dục địa phương từng thực hiện, tôi hết sức tán thành chủ trương này, bởi tôi nhận thấy những giá trị rất lớn của giáo dục địa phương với học sinh.

Nhiều năm qua, trong các tiết dạy có định hướng giáo dục địa phương, tôi nhận thấy học sinh rất hào hứng khi tiếp cận với những thông tin thực tế gần mình như các nhà văn, nhà thơ của địa phương. Vì thế, tôi đã đưa thêm nhiều thông tin, gián tiếp giúp các em có hiểu biết sâu hơn về vùng đất quê mình, bồi đắp tình yêu quê hương. Chẳng hạn, ở chương trình Ngữ văn lớp 8 có kiểu bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh. Đây là dịp tốt nhất để khơi dậy ý thức tìm hiểu khám phá của học sinh về địa phương. Tuy nhiên, bình thường rất ít học sinh tự giác tìm kiếm thông tin liên quan đến những di tích hay thắng cảnh gần nhà. Có lẽ sự thờ ơ này do tâm lý gần quá thì “không thiêng”. Hơn nữa, một số di tích địa phương có ít tư liệu tham khảo trên mạng internet nên học sinh thường cảm thấy e ngại.

Giờ học ngữ văn. Ảnh: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Để giải quyết vấn đề, thay sử dụng những gợi ý có sẵn trong sách giáo khoa, tôi đã vận động học sinh trải nghiệm thực tế tại địa phương mình. Những khó khăn ban đầu được tháo gỡ khi chính các em, với sự giúp đỡ của người địa phương đã tìm kiếm và phát hiện được nhiều điều thú vị, bất ngờ về những danh lam, thắng cảnh của địa phương mình. Sau khi thăm Văn Miếu Xích Đằng, Hồ Bán Nguyệt... em Trần Hà Anh học sinh lớp 8B đã phát biểu “em không ngờ lại có nhiều thông tin bổ ích đến thế. Em thấy rất tự hào về quê hương mình”. Các em thấy hào hứng hơn khi thấy mình đang có vai trò quan trọng trong việc quảng bá về quê hương, tự tin đưa hình ảnh của quê hương lên các trang mạng xã hội. Tôi nhận thấy sự cần thiết vào cuộc của thầy và trò, để biến điều “không thể” thành “có thể”. Điều này thực sự có giá trị khi các em học sinh trở thành những “người khai phá” dưới sự dẫn dắt của thầy cô.

Giáo dục địa phương chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được quan tâm, đầu tư bài bản. Theo tôi để có thể phát huy hết hiệu quả những nội dung này, việc bám sát vào bộ tài liệu đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kết hợp với sở giáo dục và đào tạo biên soạn là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần có độ mở của yêu cầu giảng dạy để giáo viên và học sinh phát huy tối đa vai trò chủ động của mình. Điều quan trọng hơn chính là nhận thức của giáo viên. Khi thầy cô nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục về địa phương để học sinh có sự hiểu biết về quê hương mình thì họ sẽ định hướng để học sinh tự tìm hiểu. Định hướng tìm hiểu chính là khâu quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu hơn về quê hương mình. Việc hình thành tình cảm của các em với quê hương cũng trở thành tự nhiên và sâu sắc. Như thế, việc bảo vệ giữ gìn di sản của cha ông, cảnh sắc của quê hương không còn là vấn đề phải tranh cãi.

NGÔ THỊ THU HƯƠNG (Trường THCS Lê Lợi, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên)

Lượt xem: 75
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết