TP Hồ Chí Minh: Nghĩa tình, trách nhiệm với người có công
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp thực hiện công tác chăm lo thương, bệnh binh trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh đã ký kết với các doanh nghiệp và Hội Cựu chiến binh thành phố để triển khai các kế hoạch chăm lo cho thương, bệnh binh trên địa bàn theo công văn số 5133 của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 4/9/2024.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính cùng các doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ trên địa bàn thành phố phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh thành phố, Ban Liên lạc thông tin Sư đoàn 5 tham gia chương trình.
Theo kế hoạch ký kết, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh sẽ là nơi tiếp nhận nguồn hỗ trợ kinh phí và phân bổ danh sách thương binh, bệnh binh từ các doanh nghiệp (doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ Nhà nước) để hỗ trợ và chăm sóc thương binh, bệnh binh.
Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo Hội Cựu chiến binh các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương để chăm sóc thương binh, bệnh binh.
Lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh ký kết cùng Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh |
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá - nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh cho biết, hội nghị hôm nay sẽ quán triệt chỉ đạo nghĩa tình của UBND TP Hồ Chí Minh, triển khai kế hoạch cụ thể đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho thương binh, bệnh binh, trước hết là thương binh nặng đang gặp khó khăn.
"TP Hồ Chí Minh là thành phố Anh hùng, “đi trước về sau” trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Đó còn là thành phố năng động, nghĩa tình, dẫn đầu cả nước về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội và đặc biệt là nơi khởi nguồn cho các phong trào nghĩa tình cho cả nước", Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trên tinh thần thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn đầu các đơn vị sẽ triển khai công tác chăm lo tập trung vào đối tượng thương, bệnh binh nặng. Thời gian sau sẽ nghiên cứu triển khai rộng khắp.
Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2030. Hiện tại, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh đã nhận được hơn 200 triệu đồng kinh phí ủng hộ, sẽ giải ngân 3 tháng/lần, bắt đầu từ tháng 10/2024.