Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44-45: Thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển

Sáng nay (9-10), Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44-45 và các hội nghị cấp cao liên quan khai mạc tại Trung tâm Hội nghị...

Với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, hội nghị kéo dài đến hết ngày 11-10, sẽ tập trung vào những vấn đề chiến lược, sát sườn với hiệp hội và khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác sâu rộng, gắn kết chặt chẽ, cùng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.

asse-lao.jpg

Quang cảnh cuộc họp trù bị cho Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44-45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), ngày 7-10.

ASEAN giống như các khu vực khác trên thế giới - tiếp tục phải đối mặt với vô số thách thức, bao gồm những khó khăn kinh tế và tài chính dai dẳng. Khu vực này đang dần phục hồi sau những xáo trộn đa chiều nhưng vẫn trong tình trạng mong manh. Biến đổi khí hậu, thiên tai; vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn là những thách thức cấp bách.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường kết nối và khả năng phục hồi là vô cùng quan trọng để bảo đảm các nỗ lực chung trong việc củng cố Cộng đồng ASEAN; qua đó, nắm bắt các cơ hội và giải quyết hiệu quả thách thức hiện tại và mới nổi. Trong thời gian tới, theo lãnh đạo nước chủ nhà, ASEAN cần tăng cường hợp tác theo 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hội nhập kinh tế và trao đổi nhân dân nhiều hơn; tăng cường hơn nữa quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, duy trì sự phù hợp của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển.

Với tâm thế sẵn sàng đóng góp và nỗ lực hết mình cho thành công chung, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự các hội nghị lần này, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng về ASEAN và tương lai của ASEAN.

Một là, định hướng hợp tác ASEAN. Trước các xu hướng đang nổi lên mạnh mẽ, ASEAN đã có những bước triển khai chủ động từ sớm để có thể tận dụng các động lực tăng trưởng mới. Một số khuôn khổ đang được tích cực đàm phán như Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Hiệp định khung lưới điện ASEAN, hợp tác kết nối chuỗi cung ứng… Nhiệm vụ quan trọng đặt ra lúc này là việc đưa vào triển khai cụ thể, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội mà các khuôn khổ này sẽ mang lại. Theo đó, định hướng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng theo các xu hướng xanh - số - bền vững sẽ là ưu tiên hàng đầu tại các hội nghị của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Hai là, định hình tương lai ASEAN. Năm 2024 đánh dấu bước chuyển của ASEAN, hoàn thành các Kế hoạch tổng thể 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới đến 2045. Trước các chuyển động nhanh, mạnh, sâu rộng của thời đại, các chiến lược phát triển mới của ASEAN được kỳ vọng nâng tầm hợp tác và liên kết ở khu vực theo hướng đổi mới, sáng tạo và hành động. Đó là đổi mới, với tư duy và cách làm mới, nhạy bén hơn để tranh thủ tốt các cơ hội và chủ động ứng phó hiệu quả với mọi biến động. Đó là sáng tạo, mạnh dạn đột phá, phát huy vai trò dẫn dắt và tiên phong trong các tiến trình hợp tác ở khu vực. Đó là hành động, biến cam kết thành hành động cụ thể, đáp ứng nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Ba là, định vị vai trò của ASEAN. Diễn ra hai tuần sau Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai Liên hợp quốc, các hội nghị lần này sẽ góp phần khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị và tầm quan trọng không thể thay thế của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh hiện nay. Với thành công của diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 được tổ chức tại Việt Nam, chúng ta đã phát huy vai trò cầu nối, chuyển tải các khuyến nghị và đề xuất của diễn đàn tới Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai Liên hợp quốc, góp phần gắn kết các ưu tiên và quan tâm chung ở khu vực với toàn cầu. Với thành quả đã đạt được sau gần 6 thập kỷ, ASEAN có đủ khả năng và năng lực để tham gia và đóng góp sâu hơn, hiệu quả hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Với phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm, trong những năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của hiệp hội, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, định hình hướng đi cho ASEAN trong bối cảnh tình hình hiện nay, Việt Nam đã đề xuất cách tiếp cận dựa trên 4 yếu tố, gồm: Tầm nhìn chiến lược, đoàn kết vững vàng, vai trò trung tâm và hành động cụ thể. Việt Nam cũng có nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng góp phần giữ vững các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của hiệp hội, góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở khu vực.

 
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...