Tiếp sức cho cô đỡ thôn, bản

Nhiều năm nay, các cô đỡ thôn, bản vừa đi vận động thai phụ ra cơ sở y tế sinh con, vừa là bà đỡ tại nhà cho những ca chưa kịp đến viện, giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, chế độ đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản hiện vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích. Do đó, việc bổ sung các chính sách, chế độ phù hợp hơn nữa đối với đội ngũ được xem như cánh tay nối dài của ngành y tế ở vùng sâu, vùng xa này là rất cần thiết.

Cánh tay nối dài của ngành y tế

Vai trò của các cô đỡ thôn, bản rất quan trọng, họ được coi là cánh tay nối dài của ngành y tế. Họ đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại miền núi. Để chứng minh điều đó, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) đã đưa ra tấm hình bà mẹ người dân tộc thiểu số bế cậu con trai nhỏ và kể: "Hơn một năm trước, khi chị này đau đẻ, theo phong tục địa phương thì chồng tự đỡ đẻ cho vợ. Anh chồng lóng ngóng và cháu bé tử vong ngay. Thấy sản phụ vẫn chảy máu ồ ạt, gia đình mới gọi cô đỡ thôn, bản đến và cô đỡ phát hiện còn một em bé nữa trong bụng mẹ. Cô đỡ lập tức báo y tế xã và y tế huyện, kịp thời đưa sản phụ đi cấp cứu, cứu sống được cả mẹ và con".

Cô đỡ thôn, bản ở tỉnh Điện Biên thăm khám cho thai phụ. Ảnh do Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cung cấp

Xuất phát từ sáng kiến của Bệnh viện Từ Dũ năm 1992, mô hình "Cô đỡ thôn, bản" cho đến nay đã phát triển tương đối toàn diện, ở tất cả vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, phụ cấp cho cô đỡ thôn, bản hiện còn rất thấp hoặc không có, khiến nhiều người bỏ nghề đi kiếm việc khác. Những người trụ lại phần lớn đều làm vì tình yêu nghề. Chia sẻ với chúng tôi, cô đỡ Lò Thị Luấn (bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, việc đi lại chăm sóc sản phụ, đỡ đẻ giữa các bản rất khó khăn. Trong các bản mà cô đỡ Lò Thị Luấn phụ trách, có bản cách trạm y tế xã 18km, phải đi bộ nhiều giờ mới đến nơi. Vất vả là thế nhưng cô đỡ Luấn hoàn toàn không có phụ cấp cho công việc mình đang đảm nhiệm. 

Còn cô đỡ Tẩn Thị Tách (dân tộc Dao, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) dù mới 27 tuổi nhưng đã có thâm niên 7 năm làm cô đỡ thôn, bản. Tách chia sẻ, từ khi học lớp cô đỡ thôn, bản về đến nay, tuy chưa có phụ cấp nhưng cô vẫn làm việc vì không muốn các bà mẹ mắc bệnh, tử vong khi mang thai và sinh đẻ. Tách phụ trách 3 thôn với 249 hộ, trong đó 2 thôn rất khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mông và cách xa trung tâm. Năm 2022, 3 thôn nói trên có 32 thai phụ cần được khám, chăm sóc, trong đó Tách đỡ đẻ hơn 10 ca. “Mỗi lần đi khám thai và đỡ đẻ rất khó khăn vì nhà dân ở xa, trong khi em không có phương tiện, chủ yếu là đi bộ nên mất đi thời gian vàng hỗ trợ sản phụ”, Tách nói. Vì thế, tại Hội nghị “Cùng chung tay hỗ trợ cô đỡ thôn, bản vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Tách đã đề xuất được hỗ trợ phụ cấp cô đỡ thôn, bản để đỡ vất vả. Ngoài ra, cô đề nghị được hỗ trợ xe máy để đi lại chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, chở họ đi bệnh viện khi ốm và được cấp dụng cụ mới để làm việc. 

Rà soát, hoàn thiện các chính sách

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Đó là lý do mà chính quyền các xã vùng cao, miền núi khó khăn đều đánh giá rất cao vai trò của cô đỡ thôn, bản ở sự đáp ứng tại chỗ, liên tục, ngay lập tức và miễn phí đối với các bà mẹ và trẻ em. Thực tế, chỉ có cô đỡ thôn, bản mới có thể tiếp cận, chăm sóc bà mẹ tại địa phương, vì bà con dân tộc thiểu số quan niệm mọi chăm sóc liên quan đến phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng, phụ nữ trong nhà hoặc những người thân thiết mới có thể trao đổi được. Tuy nhiên hiện nay, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cô đỡ thôn, bản hoạt động. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31-1-2023, có 1.528 cô đỡ thôn, bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện số cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, sức khỏe và sự sống còn của bà mẹ vẫn là một trong các nội dung được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự về sức khỏe và sự phát triển của các quốc gia. Do đó, các cô đỡ thôn, bản ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là tài sản quý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng mạng lưới cô đỡ thôn, bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay, Ủy ban đã đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban và các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản.

Tags: cô đỡ
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...