Nữ quân nhân “bén duyên” với hoạt động thiện nguyện
Là nữ quân nhân, tuy quỹ thời gian rất hạn hẹp nhưng chị đã sử dụng triệt để giờ nghỉ, ngày nghỉ ít ỏi của mình để tham gia các hoạt động thiện nguyện bằng tất cả tấm lòng, tình cảm “thương người như thể thương thân”.
Việc làm của chị lan tỏa và thu hút nhiều người cùng chung tay góp sức, qua đó giúp được những mảnh đời vơi đi phần nào khó khăn, vất vả. Chị là Thiếu tá QNCN Đỗ Thị Hảo, nhân viên Ban Chính trị, Trung đoàn 834, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc, người “bén duyên” với những việc làm thiện nguyện từ nhiều năm qua.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tháng 3-1996, Đỗ Thị Hảo nhập ngũ, được biên chế huấn luyện chiến sĩ mới tại Lữ đoàn Thông tin 604 (Quân khu 2). Sau khi hết thời hạn thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, chị Hảo được cử đi học trung cấp văn thư lưu trữ và được chuyển chế độ QNCN, điều động về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc. Chồng chị cũng là quân nhân nên quỹ thời gian trong ngày rất eo hẹp. Với bản tính hay lam hay làm, những năm tháng còn trẻ, chị Hảo dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Quá trình công tác, sinh sống tại khu dân cư, từ sự kết nối của internet, chị Hảo luôn theo dõi và thương cảm những mảnh đời bất hạnh, phận người nghèo khổ, bệnh tật. Vì không có tiềm lực về vật chất, quỹ thời gian cũng không có nhiều nên đến khi các con khôn lớn, đã tự lo được cho bản thân, nhất là từ khi chồng chị về nghỉ hưu, anh có nhiều thời gian lo công việc nhà thì chị dành dụm từng chút thời gian tham gia hoạt động thiện nguyện. Nhiều buổi tối chị cùng nhóm thiện nguyện đi đến các gia đình thu gom quần áo và tiếp nhận vật chất từ những nhà hảo tâm ủng hộ, sau đó chị cùng mọi người thống kê, phân loại, xếp đặt, để “thành tấm, thành món”, đủ chuyến đem đi các tỉnh vùng cao tặng học sinh và bà con nghèo. Những chuyến đi này thường được bố trí vào thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ hoặc dịp chị Hảo nghỉ phép hằng năm.
Cứ vào thứ ba hằng tuần, sau khi hết giờ làm việc buổi chiều ở cơ quan, Thiếu tá QNCN Đỗ Thị Hảo lại phóng xe đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, tham gia nấu bữa cơm tối “0 đồng” cho các bệnh nhân. Việc làm ý nghĩa này được chị Hảo cùng nhiều phụ nữ khác và các "mạnh thường quân" tổ chức từ tháng 8-2019 đến nay, mỗi tuần một bữa, mỗi bữa từ 150 đến 180 suất ăn, gồm cơm, rau, thịt, trứng, cá, đậu phụ, sữa, hoa quả... Người đóng góp gạo, thịt, gia vị, người ủng hộ tiền, còn chị Hảo và nhóm thiện nguyện thì góp công sức để làm nên bữa cơm ngon miễn phí ấm tình người tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc. Chị Hảo là một trong những người khởi xướng chương trình, kêu gọi, vận động được nhiều người cùng chung tay sẻ chia giúp đỡ người khốn khó, bệnh tật. Ban đầu chỉ có từ 3 đến 4 người, nay mỗi sáng có hơn chục người tham gia nấu cơm miễn phí.
Chủ nhật hằng tuần, nếu như một công chức hay nữ quân nhân khác được nghỉ ngơi thường dậy muộn hơn thường lệ và sẽ dành thời gian cho gia đình, nhưng như một thói quen từ vài năm qua, chị Hảo thức dậy từ 4 giờ 30 phút, bất kể trời mưa rét hay nắng nóng, để tham gia nấu cháo miễn phí, phục vụ bữa sáng cho những người đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn bộ thực phẩm như gạo, thịt... đều do chị Hảo và những người cùng làm vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm và "mạnh thường quân" trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chị còn tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện của thành phố Vĩnh Yên và các huyện Yên Lạc, Tam Đảo, Bình Xuyên, kết nối với một số nhà chùa, trường học để làm từ thiện, hướng đến những phận người nghèo khó, bệnh tật.
Chị Đỗ Thị Hảo trao quà tặng các trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. |
Chị Hảo và “Nhóm thiện nguyện” còn thiết lập trang Zalo, Facebook, hằng ngày cung cấp thông tin, vận động, quyên góp mọi người ủng hộ quần áo cũ cùng mì ăn liền, mì chính, mắm muối, dầu ăn, sách vở, đồ dùng học tập... để giúp đỡ học sinh và người dân vùng cao ở các huyện đặc biệt khó khăn trên địa bàn Tây Bắc như: Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái... Do vậy, khi hết giờ làm việc ở cơ quan, về nhà, chị Hảo và một số người thân quen lại dành thời gian giặt, là, gấp quần áo cũ và tiếp nhận, sắp đặt các vật chất khác. Công việc này không chỉ thu hút các bà, các chị trung niên mà nhiều thanh niên, sinh viên cũng dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng nhóm của chị Hảo, tạo nên sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi năm bình quân nhóm thiện nguyện của chị Hảo tổ chức từ 8 đến 10 chuyến xe, mỗi chuyến từ 5 đến 6 tấn hàng để giúp đỡ các trường học, đồng bào vùng cao biên giới.
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường THCS Hữu Vinh (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Điều kiện vật chất của các cháu học sinh nhà trường còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những năm qua, học sinh nhà trường thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, trong đó có nhóm thiện nguyện của chị Đỗ Thị Hảo. Được biết chị Hảo hiện vẫn là một quân nhân, song chị vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện. Chị Hảo đã làm được rất nhiều việc, kể cả trong lúc dịch bệnh, thiên tai, qua đó càng tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của người quân nhân cách mạng”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Anh Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 834 cho biết: “Thiếu tá QNCN Đỗ Thị Hảo là người luôn gương mẫu trong lối sống và thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm thời gian và chế độ quy định của đơn vị. Ngoài ra chị Hảo còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, có những nghĩa cử cao đẹp, tạo được sự lan tỏa, tác động tích cực đến xã hội. Chỉ huy đơn vị luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp của chị Hảo trong các hoạt động thiện nguyện”.