Sáp nhập phải mạnh lên

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 (Nghị quyết 1111) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9-12-2020 “Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh” đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đặc biệt, khi ở một số đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, cán bộ, công chức xin nghỉ việc có số lượng cao hơn so với các đơn vị khác. Đơn cử, TP Thủ Đức là địa phương có số lượng cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất trong khối quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua. TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2,9 và Thủ Đức. Ở cấp phường, xã, nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết 1111, cũng có số lượng cán bộ, công chức nghỉ việc cao hơn các đơn vị khác.

Ngày càng nhiều cán bộ, công chức TP Hồ Chí Minh nghỉ việc. Ảnh: laodongthudo.vn 

Khối lượng công việc tăng, biên chế giảm, môi trường làm việc nhiều áp lực trong khi thu nhập không tăng, ít cơ hội thăng tiến... khiến một bộ phận cán bộ, công chức có nguyện vọng chuyển ra ngoài làm ăn. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng, hiệu quả công việc ở các cơ quan công quyền. Nhìn vào đó, trong dư luận xã hội đã có không ít ý kiến phê phán, chỉ trích, đánh giá phiến diện, phủ nhận tính tích cực của việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết 1111, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể trên các lĩnh vực. Các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá để có cơ sở nghiên cứu, điều chỉnh về chủ trương, giải pháp giúp TP Hồ Chí Minh thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù. Theo giới chuyên gia và nhà quản lý, việc tinh gọn bộ máy hành chính ở cấp quận, huyện, phường, xã... đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tiết kiệm nhân lực, vật lực. Sau khi sắp xếp, trung bình mỗi năm, thành phố tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi ngân sách cho bộ máy hành chính. Việc sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Sáp nhập để hệ thống công quyền mạnh lên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhìn vào các vướng mắc ở những phân khúc cục bộ hành chính công tại nhiều đơn vị sau sáp nhập để đánh giá sai về chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là cách nhìn phiến diện. Những nhận định cực đoan, thiếu tinh thần xây dựng về sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1111 không chỉ gây ảnh hưởng tâm lý xã hội mà còn là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thành phố "đầu tàu" của đất nước.

Không có bất cứ mô hình nào tối ưu toàn diện. Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, các mô hình đã triển khai phải vừa vận hành, vừa bổ sung, hoàn thiện. Sau sáp nhập, bộ máy phải mạnh lên. Đó là mong muốn, là quyết tâm. Những bất cập, hạn chế phát sinh là một tất yếu của sự vận động, phát triển. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị, Quốc hội cần sớm ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, bởi sau một thời gian triển khai, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, cần phải thay đổi, nhất là về cơ chế thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, tái cơ cấu kinh tế, vốn đầu tư cho các lĩnh vực... Đó là những kiến nghị rất xác đáng!

Cùng với những điều chỉnh chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô, cần phải xốc lại guồng máy ngay từ cơ sở. Việc sắp xếp đơn vị hành chính là cơ hội để từng cơ quan, đơn vị kiện toàn nguồn nhân lực theo yêu cầu nhiệm vụ. Để chủ trương của Đảng, Nhà nước phát huy hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi sự vận động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... từ đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là vai trò của các cấp ủy, người đứng đầu.

Sự thích ứng và hiệu quả thực chất của các mô hình nằm ở thực tiễn vận động chứ không phải chỉ riêng cơ chế, chính sách!

PHAN TÙNG SƠN

Tags: Sáp nhập
Lượt xem: 28
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết