TP.HCM siết chặt quản lý rượu, bia sau các vụ ngộ độc

Thời gian qua, TP.HCM liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu, mới đây nhất, có 2 trường hợp tử vong. Nhằm quản lý và hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tăng cường công tác quản lý kinh doanh rượu và chất lượng rượu trên thị trường.

TPHCM siết chặt quản lý rượu, bia sau các vụ ngộ độc

Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Ảnh: BSCC

Tăng cường quản lý sản phẩm rượu trên thị trường

Chỉ trong một thời gian ngắn, TP.HCM liên tiếp xảy ra vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu, trong đó có trường hợp tử vong và nguy kịch. Đây là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc rượu.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông - Ban Quản lý An toàn thực phẩm (QLATTP) TP.HCM cho hay, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được thực hiện thường xuyên, liên tục. 

Từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó có các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn. Trong đó, kiểm tra có trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn. Chú trọng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn; các cơ sở dịch vụ ăn uống có bán rượu bia, đồ uống có cồn sử dụng tại chỗ. 

Quá trình kiểm tra, các đoàn có thể lấy mẫu sản phẩm đưa đi kiểm nghiệm để đánh giá.

Về phân cấp thực hiện, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu, bia, đồ uống có cồn; UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức kiểm tra các hộ sản xuất rượu bia thủ công, kinh doanh rượu, bia nhỏ lẻ…

Khó khăn trong quy trình kiểm tra,  xử lý các trường hợp vi phạm 

Chia sẻ về khó khăn trong quy trình thanh kiểm các cơ sở, Ban QLATTP cho biết,  theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vì vậy, công tác quản lý đối với các cơ sở này gặp một số khó khăn. 

Các cơ sở này ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hoặc đầu tư để đối phó với đoàn kiểm tra.

Cùng với đó, trong quá trình hoạt động, tình hình kinh tế khó khăn nên số lượng cơ sở ngưng hoạt động, chuyển sang loại hình khác hoặc tạm ngưng hoạt động chiếm tỉ lệ cao.

Một số cơ sở đóng cửa, hoạt động về đêm nhằm né tránh việc kiểm tra hành chính của đoàn kiểm tra. 

Một số cơ sở sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính đã đóng cửa, giải thể, chuyển địa điểm khác nhằm tránh né việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia chưa phát hiện vi phạm 

Ban QLATTP cho biết, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7 năm 2022, Ban QLATTP đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TPHCM , đối với những vi phạm trong việc kinh doanh rượu, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 quy định mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký theo quy định.   

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ có hành vi cung cấp thông tin về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên có hành vi cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định rõ: Cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký hoặc kinh doanh, tàng trữ rượu bia không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ tiệm tạp hoá/chủ quán rượu không có giấy phép kinh doanh hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo quy định tại điều 25 nghị định 98/2020.

Tiệm tạp hoá/quán rượu nếu chỉ bán lại mà không phải pha chế trực tiếp thì không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu pha chế trực tiếp rượu có sử dụng chất cấm, chất vượt quá mức cho phép hoặc nếu chủ quán/nhà hàng bán rượu mà biết rượu đó được pha chế có sử dụng chất cấm hoặc chất vượt quá mức cho phép thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Lượt xem: 30
Tác giả: Phương Ngân
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...