Sắp hết hạn gói 4,5 nghìn tỷ đồng đào tạo lao động: Mới giải ngân được 17 tỷ đồng

Gói hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLÐ) bị ảnh hưởng dịch COVID-19 sẽ hết hạn nhận hồ sơ cuối tháng 6 tới, với kinh phí dự trù lên tới 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Dù triển khai đã hơn 10 tháng, thực tế mới giải ngân được 17 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng có mục tiêu đào tạo lại 1 triệu lao động (LĐ), tổng kinh phí 4.500 tỷ đồng. Chỉ còn hơn 1 tháng để nhận hồ sơ, nhưng thực tế triển khai rất chậm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, tới nay, các địa phương mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, hoặc xin hướng dẫn của 200 DN. Trong đó, mới có 60 DN gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho trên 30.000 NLĐ, Sở LĐ-TB&XH của 14 địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 36 DN đào tạo lại gần 9.000 NLĐ, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.

Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, tính tới ngày 17/5, mới có BHXH của 12 tỉnh thành nhận được hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 DN được địa phương phê duyệt. Thực tế, cơ quan BHXH mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng để đào tạo lại cho 4.000 NLĐ. Theo bà Loan, quá trình triển khai ghi nhận một số phát sinh, như danh sách NLĐ được phê duyệt khác danh sách thực tế được đào tạo, một số NLĐ nghỉ việc nên DN phải làm lại hồ sơ, mất nhiều thời gian.

Ông Trương Anh Dũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân trên rất thấp so với dự kiến ban đầu của gói hỗ trợ (khoảng 4.500 tỷ đồng), dù Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, với hơn 30 hội nghị. “DN đều nói chính sách này rất cần và thiết thực, nhưng thực tế triển khai lại chậm. Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là khẩn trương thực hiện theo đúng hạn, sau đó mới tính tới đề xuất cấp thẩm quyền gia hạn chính sách”, ông Dũng nói.

Một số lãnh đạo trường nghề và DN phản ánh, thực tế triển khai rất khó, phải kéo dài 2-3 tháng mới xong 1 hồ sơ (không phải vài ngày như quy định). “Thực tế triển khai còn cách hiểu khác nhau của chính quyền địa phương, dẫn tới phải xin ý kiến nhiều nơi, giải trình nhiều lần mới được phê duyệt”, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long Biên (Hà Nội) nói.

Cũng theo đại diện các trường nghề, thủ tục mất nhiều thời gian khiến DN ngần ngại, chưa kể các mối lo về thanh tra, kiểm toán, liên quan trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, các trường không thể biết DN nào có nhu cầu để phối hợp triển khai, nên cần một đầu mối tổng hợp nhu cầu DN.

Lượt xem: 93
Tác giả: Theo LÊ HỮU VIỆT - KNB
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...