Bài 4: Công tác cán bộ phải đi trước một bước

Một trong những mục tiêu đặt ra khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ.

Tuy nhiên, công tác cán bộ là một trong những vấn đề nổi cộm khi tiến hành sắp xếp, dễ ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) trong cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện tốt công tác này cho thấy vai trò của việc chuẩn bị trước một bước, đặt cán bộ vào đúng vị trí phù hợp, quá trình tiến hành bảo đảm lộ trình hợp lý.

Tăng đột biến số lượng 

Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, số lượng CB, CC, VC của TP Hạ Long tăng đột biến với tổng số 4.130 người. Điều này đặt ra áp lực, thách thức rất lớn cho TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh trong việc bố trí, sắp xếp CB, CC, VC. Số lượng cán bộ đông, để tổ chức bộ máy vận hành hiệu quả, không chồng chéo là bài toán khó. Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tiến Dương, việc bố trí, sắp xếp nhân sự không chỉ đặt trong phạm vi các đơn vị sáp nhập mà còn trong toàn tỉnh. Tại TP Hạ Long, ngoài những người thuộc diện nghỉ chế độ, những người còn lại đều có phương án sắp xếp vào vị trí phù hợp. Cụ thể là sắp xếp vào các sở, ban, ngành nếu đáp ứng được chuyên môn công tác; hoặc luân chuyển sang các đơn vị cấp huyện khác trong tỉnh. 

Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã hình thành một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên. Để phát huy hiệu quả các nguồn lực sau khi sáp nhập, thúc đẩy TP Hạ Long phát triển, cần có đội ngũ CB, CC, VC tinh, gọn, mạnh. “Mặc dù việc sắp xếp nhân sự sau sáp nhập ĐVHC là việc cấp bách nhưng không thể xuê xoa. Như đối với TP Hạ Long, CB, CC, VC trong bộ máy hành chính cần bảo đảm yêu cầu về trình độ, bố trí đúng vị trí công việc theo chuyên môn. Quá trình luân chuyển cán bộ phải hướng đến bảo đảm tính hợp lý, tạo thuận lợi nhất cho công việc”, đồng chí Nguyễn Tiến Dương chia sẻ.

 TP Hạ Long (Quảng Ninh) sau sắp xếp đơn vị hành chính trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Ảnh: TRUNG NGUYÊN 

Nhìn chung, kinh nghiệm của Quảng Ninh cũng như những địa phương làm tốt công tác sắp xếp CB, CC, VC sau sắp xếp ĐVHC là sự chủ động chuẩn bị từ sớm cho công tác này. Ngay từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tiêu chuẩn ĐVHC các cấp, một số địa phương đã chủ động rà soát các ĐVHC chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích và dân số để nhận diện rõ những ĐVHC thuộc diện có nguy cơ cao phải tiến hành sáp nhập. Trên cơ sở đó, địa phương chủ động tạm dừng tuyển dụng bổ sung CB, CC, VC; thực hiện chế độ một cán bộ kiêm nhiệm tạm thời nhiều nhiệm vụ để giảm số CB, CC, VC xuống mức thấp nhất có thể. Vì thế, ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021 với các đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, các địa phương này đã triển khai công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp ĐVHC rất nhanh mà ít gặp vướng mắc về công tác cán bộ do số lượng CB, CC, VC dôi dư không quá lớn.

Bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan

Một trong những nguyên tắc đặt ra khi kiện toàn cán bộ sau sắp xếp ĐVHC là bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan, chú trọng đến chất lượng nhân sự. Kinh nghiệm từ sắp xếp ĐVHC tại tỉnh Gia Lai cho thấy, để giải quyết vấn đề mang tính phức tạp, “động chạm” như công tác cán bộ, việc ổn định tư tưởng cho đội ngũ nhân sự cần đi trước một bước, tiến hành ngay khi xác định ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp, chú trọng phát huy vai trò của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Trên cơ sở đó, việc giải quyết cán bộ dôi dư có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. “Cán bộ nào đủ tiêu chuẩn, đủ tuổi và đủ năng lực, tín nhiệm thì tiếp tục xem xét, đề nghị cấp ủy cấp trên nơi quản lý cán bộ, công chức có quyết định. Trường hợp nào chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì ban hành chính sách giải quyết dôi dư. Cùng với đó là bảo đảm chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư một phần chi phí khi thôi việc, như vậy sẽ tạo được đồng thuận”, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Nguyễn Đình Tiến cho biết. Tại tỉnh Gia Lai, sau khi rà soát công chức dôi dư đã tiến hành điều động sang các xã còn thiếu chức danh, động viên cán bộ, công chức yên tâm công tác, tạo điều kiện để họ sớm ổn định cuộc sống.

Cùng với tiến hành việc sắp xếp các ĐVHC, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng được tổ chức lại theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, bảo đảm phòng chuyên môn thuộc sở, ban, ngành của tỉnh đáp ứng các chức năng, nhiệm vụ được giao với biên chế tối thiểu 6 người. Đối với cấp huyện cũng tiến hành sắp xếp lại, giảm bớt một số phòng chuyên môn, chuyển chức năng, nhiệm vụ sang bộ phận khác, bố trí nhân lực đảm nhận.

Từ thực tế tại một số địa phương có thể thấy rằng, việc bố trí công việc cho CB, CC, VC sau khi sắp xếp ĐVHC là vấn đề khó khi số lượng đội ngũ dôi dư nhiều, trong khi yêu cầu vị trí công việc phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy năng lực. Kinh nghiệm của nhiều nơi thực hiện tốt công tác cán bộ cho thấy, các khâu chuẩn bị cần được tiến hành chu đáo, đặc biệt là ổn định tư tưởng, tâm lý, tạo sự đồng thuận, quá trình triển khai nhờ vậy sẽ thuận lợi, không để dây dưa, kéo dài. Đồng thời, cần kết hợp hài hòa các giải pháp như vận động, thuyết phục, luân chuyển cán bộ, giải quyết chế độ hưu trí... Cùng với đó, cần quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của nhân sự thuộc diện tinh giản. Việc xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả vừa giúp giảm áp lực ngân sách, vừa tạo thuận lợi cho giải quyết công việc và phát huy được nội lực để ĐVHC mới sau khi sắp xếp sớm đi vào hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, một vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác cán bộ mà nhiều địa phương đang gặp phải, đó là sau sáp nhập, nhiều CB, CC, VC có nhà ở cách nơi làm việc mới quá xa, từ vài chục đến hàng trăm ki-lô-mét. Một số người chọn phương án tạm thời sáng đi, tối về; một số khác chọn phương án thuê nhà gần nơi làm việc mới. Do vậy, đề xuất chung của nhiều CB, CC, VC thuộc diện này là mong được bố trí nhà ở công vụ gần nơi làm việc mới, hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà, đi lại để họ giảm bớt khó khăn, bởi chi phí đi lại, thuê nhà đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu nhập của họ.

(còn nữa)

GIA MINH - CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 50
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết