Những trải nghiệm không bao giờ quên với Báo Quân đội nhân dân Điện tử

Sau chuyến công tác cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử tại quần đảo Trường Sa năm 2008, tôi bắt đầu viết cộng tác cho báo. Thực ra, đây vẫn là điều tôi mong muốn bởi khi còn là sinh viên, có quãng thời gian kiến tập 3 tháng tại Phòng Quốc phòng-An ninh, được các anh, các chú tận tình chỉ bảo, tôi đã coi đây là gia đình của mình.

Viết cộng tác, một phần được viết cho tờ báo mình vẫn luôn yêu mến, một phần góp phần lan tỏa những hình em về lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đang công tác. Niềm vui đó là khi cần tuyên truyền về BĐBP, các anh chị ở Phòng Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Điện tử lại gọi điện “đặt” tôi viết.

Tôi có nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tham gia Cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý do Báo QĐND tổ chức. Năm 2013, tác phẩm “Con nuôi Đồn Biên phòng” (viết về cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng, Thu Lũm thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu nhận đỡ đầu các cháu học sinh nghèo người Hà Nhì và đưa về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng) đã được Ban Tổ chức trao giải Ba. Khi ấy, tôi mới vào nghề chưa được bao lâu, nên đó là niềm vinh dự, niềm vui rất lớn. Đây cũng là động lực để tôi viết cộng tác với Báo QĐND Điện tử.

Phóng viên Nguyễn Thị Thu Hà (bút danh Thanh Trúc) trong lần công tác tại Trường Sa năm 2008. 

Tháng 6-2022, một lần nữa tôi có tác phẩm được trao giải trong Cuộc thi Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 13. Cảm xúc khi được Đại tá Trần Anh Tuấn và Đại tá Nguyễn Ngọc Long trao bằng chứng nhận rất khó tả. Đây là 2 “người thầy” đã dạy dỗ trong suốt 3 tháng kiến tập thời sinh viên của tôi ở Phòng Quốc phòng-An ninh. Giải thưởng này cũng như một sự tri ân đến những người thầy đã dạy dỗ mình.

Nhân vật trong tác phẩm được trao giải là cậu bé người Vân Kiều tên Hồ Văn Vân ở bản Xà Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Em mồ côi cha và được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị nhận làm con nuôi và đưa về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng. Năm 2020, 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người lính Biên phòng phải căng mình quản lý địa bàn, đường biên để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, Hồ Văn Văn đã giúp các “bố nuôi” nắm thêm tình hình người đến và đi trong bản để kịp thời yêu cầu khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Nhưng, điều vui hơn cả đối với tôi đó là phần thưởng 10 triệu đồng dành cho nhân vật trong tác phẩm đạt giải. Điều đó có nghĩa là cậu con nuôi của Đồn Biên phòng Hướng Lập sẽ nhận được 10 triệu đồng. Số tiền thưởng 10 triệu đồng, gia đình em Hồ Văn Vân đã nhờ Đồn Biên phòng Hướng Lập mua 1 con bò. Đây được coi như “của để dành” cho tương lai của Hồ Văn Vân.

Em Hồ Văn Vân nhận “món quà” của Ban Tổ chức Cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý.

Thời gian cộng tác cho Báo QĐND Điện tử còn mang đến cho tôi những trải nghiệm thú vị. Sau thành công của đội tuyển xe tăng tại Army Games, năm 2020, Báo đã kịp thời thỏa mãn thị hiếu của khán giả cả nước về nhu cầu có được thông tin về cuộc thi của đội tuyển trên thao trường Alabino (nước Nga) bằng cách đã tường thuật trực tiếp về các trận đấu. Tôi còn nhớ, đã có những trục trặc về kỹ thuật, thế nhưng, lượng người xem vẫn rất đông. Đến năm 2021, Báo QĐND Điện tử đã có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về kỹ thuật, lực lượng phóng viên tham gia đưa tin trực tiếp tại Army Games. Đặc biệt, tòa soạn còn mời những người có chuyên môn để bình luận, cung cấp thêm những thông tin cho người xem; những clip xoay quanh đến cuộc thi, các nhân vật cũng rất thú vị. Cảm giác của tôi khi xem thấy mình như một phần của tòa soạn, trách nhiệm viết những bài cổ vũ đội tuyển.

Qua thời gian cộng tác, tôi ngày càng nhận thấy Báo QĐND Điện tử thực sự dành cho những người lính. Khi video clip về chiến sĩ Tiêu Nghĩa Phong của BĐBP Khánh Hòa nhã hứng dạo đàn piano ở sảnh đón tiếp bệnh nhân của Bệnh viện Quân y 175 khiến cộng đồng mạng xôn xao. Sáng sớm, Đại tá Nguyễn Văn Minh (khi đó là Trưởng phòng Biên tập Báo Điện tử) đã gọi cho tôi và đặt viết bài. Sau bài viết, Đại tá Nguyễn Văn Minh còn chỉ đạo bộ phận Media làm rõ và phong phú hơn về hình ảnh người lính chơi đàn này. Không chỉ Tiêu Nghĩa Phong và rất nhiều người lính Biên phòng chúng tôi cảm thấy tự hào.

Tháng 6-2021, Báo QĐND Điện tử đăng video clip về tác giả và tác phẩm “Có một nghề được gọi là lương cao” của Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Bài hát do chính Đại úy Vũ Văn Quốc thể hiện, đan xen cùng những hình ảnh về người lính dầm mình trong mưa gió thực hiện nhiệm vụ đã thực sự làm dậy sóng dân cư mạng. Mọi người đã chia sẻ, đã bình luận những lời tâm huyết. Bản thân tôi, mỗi lần xem đều không nén được sự xúc động và càng nể phục hơn đồng nghiệp đã có tác phẩm đi vào lòng người như vậy.

Đã gần 20 năm cầm bút nhưng mỗi lần viết bài cộng tác cùng Báo QĐND Điện tử tôi vẫn luôn cẩn trọng từng câu chữ như lời chỉ bảo của các anh, các chú Phòng Quốc phòng-An ninh trước đây. Tôi luôn tự hào khi được đồng hành và “góp sức” làm cho Báo QĐND Điện tử ngày càng phát triển, đến gần hơn với bạn học.