Một chỉ số thống kê mới năm 2021 đang trở nên đáng lo ngại?

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý 4/2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2020. Theo đó, có một số liệu cần lưu ý là số lao động làm công việc tự sản tự tiêu.

Lao động tự sản tự tiêu là lao động sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng. Quyết định về sản xuất của lao động tự sản tự tiêu chủ yếu hướng về bản thân và gia đình nên thường đặc trưng bởi tính khép kín, tính phi lợi nhuận đi kèm với hiệu quả thấp và năng suất không cao. Chính vì vậy, khi kinh tế và cách mạng khoa học công nghệ phát triển, hình thức sản xuất này ngày càng bị thu hẹp.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong năm 2021 là hơn 4,4 triệu người, tăng khoảng 872,4 nghìn người so với năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 90,3%).

Trước đó, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý 3/2021 là 5,2 triệu người (tăng gần 1 triệu người so với quý 1 và gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, con số này đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.

Một chỉ số thống kê mới năm 2021 đang trở nên đáng lo ngại?  - Ảnh 1.

Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 62,7%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu năm 2021 tăng gần 584 nghìn người so với năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong tổng số hơn 4,4 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, hơn 2,6 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 58%).

Trong năm 2021, số lượng thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước.

Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị .

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.

Lượt xem: 183
Tác giả: Hà Trần
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...