Kỳ vọng mở ra “kỷ nguyên mới” cho Hà Nội

Đánh giá về ý nghĩa của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thông qua và sớm đi vào cuộc sống, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây sẽ là cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững

Trong đợt 2 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự kiến Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thông qua vào ngày 28/6. Đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng cũng như sự phát triển chung của cả nước.

Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ kỳ vọng Thủ đô Hà Nội sẽ sớm bước sang “kỷ nguyên mới” sau khi Luật sửa đổi được thông qua.

Đánh giá về ý nghĩa của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thông qua và sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Trương Xuân Cừ, (Đoàn Hà Nội) cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

“Chúng ta đều biết Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là duy nhất. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội dự án Luật sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước,” đại biểu nói.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu này thì “các chính sách phải mang tính chất đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa giúp đảm bảo Hà Nội phát triển đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính chất đặc thù riêng".

Một góc Hà Nội
Một góc Hà Nội

Đại biểu nhận định dự án Luật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. “Tôi hy vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi,” ông Cừ bày tỏ.

Hà Nội có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để bứt phá vươn lên

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) mong muốn Hà Nội có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để bứt phá vươn lên.

Theo đại biểu Lê Hoàng Hải, Thủ đô Hà Nội không chỉ phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước mà còn vươn lên tầm khu vực, thế giới. Bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến góp ý về cơ chế, chính sách cho giáo dục, khoa học và công nghệ, đại biểu quan tâm đến vấn đề mô hình tổ chức chính quyền và biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu cũng tán thành với quy định về tổ chức mô hình chính quyền tại thành phố Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Mô hình này đã phát triển các quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 97 năm 2019 Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và đã có thực tiễn thi hành trên địa bàn.

Theo đó, việc không tổ chức HĐND phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ góp phần giúp tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn. Tuy nhiên, mô hình này đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại kỳ họp thứ sáu diễn ra tháng 10/2023, Quốc hội đã cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ về ưu, nhược của các mô hình chưa thực sự rõ ràng. Đồng thời, chưa cho thấy sự khác biệt về tổ chức dẫn đến khác biệt về cách thức quản lý, vận hành các hoạt động của chính quyền đô thị, các cơ chế, chính sách được áp dụng.

“Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị”, đại biểu kiến nghị.

Về biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại Điều 33 của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ sự tán thành với quy định tại khoản 2 điều này. Trong đó cho phép trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quy định tại dự thảo Luật không coi biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà xác định đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội. Cách tiếp cận như vậy là phù hợp, bởi sẽ không làm phát sinh các trình tự, thủ tục hành chính phức tạp và cũng giúp nâng cao khả năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 5
Tác giả: Lam Dương