Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên
Chiều 23/6, tại thành phố Đà Lạt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3.
Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố quyết định quy hoạch vùng Tây Nguyên, quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định quy hoạch vùng Tây Nguyên cho lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Linh |
Quy hoạch vùng Tây Nguyên, mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; rừng đầu nguồn được bảo vệ; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Phấn đấu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 6%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%; tỷ trọng kinh tế số khoảng 25 - 30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 37% - 41%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%...
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Linh |
Quy hoạch Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, được xác định: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. Phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có trong vùng. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch cấp trên…
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Linh |
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã trao đổi, nêu những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong phát triển kinh tế.
Theo ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, việc vướng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch đô thị, hạ tầng, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được địa phương báo cáo Chính phủ và các bộ, ban, ngành nhưng chưa được giải quyết. Việc này không những ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh như dự án điện gió, điện phân nhôm... mà còn ảnh hưởng đến các công trình, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tỉnh Đắk Nông đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét có giải pháp tháo gỡ tổng thể các khó khăn về chồng lấn các quy hoạch phát triển ngành quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, chi phí thực hiện việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản để địa phương có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị các vướng mắc, khó khăn của tỉnh. Ảnh: Vũ Linh |
Về phía tỉnh Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Gia Lai mong nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời cam kết khẩn trường tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh cũng như vùng Tây Nguyên theo quy định. Nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành chung, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh. Từ đó, để nhà đầu tư triển khai các dự án phù hợp với mục tiêu đã xây dựng. Đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông kết nối Gia Lai với các khu vực lân cận và cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Tây Nguyên có những lợi thế nhất định, quy hoạch phải xác định khung pháp lý để các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển trên tinh thần hợp tác. Sự liên kết giữa các địa phương, tình cảm gắn bó của lãnh đạo cũng là sự kết nối. Địa phương nào khá hơn sẽ gánh phần khó khăn hơn…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 3 vấn đề có thể làm ngay: Giao thông kết nối tạo sự thông thoáng; phát triển du lịch theo chuỗi, theo tuyến, khai thác bản sắc văn hoá độc đáo, riêng có; chia sẻ các dự án giao thông để thu hút đầu tư trong và ngoài nước…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành rà soát, phát hiện sớm những bất cấp cập trong thể chế, chính sách, quy hoạch để có hướng tháo gỡ, đảm bảo sự phát triển.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 5 tỉnh Tây Nguyên chủ động rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7 để xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch bô xít mà các địa phương đã báo cáo, kiến nghị tại hội nghị.