Hội thảo khoa học “80 năm tác phẩm Lịch sử nước ta (1942 - 2022)”
Sáng 1-12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “80 năm tác phẩm Lịch sử nước ta (1942 - 2022)”.
Đã 80 năm trôi qua kể từ ngày tác phẩm “Lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được xuất bản lần đầu tiên - một tác phẩm thơ giản dị, phổ thông, thông qua hình thức kể chuyện nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về lịch sử dân tộc, đất nước và con người Việt Nam, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, đã khẳng định sức sống mãnh liệt và ý nghĩa vượt thời đại của tác phẩm quý này.
Quang cảnh hội thảo. |
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 5-1941, lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nậm, Pắc Pó, Cao Bằng.
Nghị quyết hội nghị đã nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(1).
Chính trong không khí sôi sục đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm “Lịch sử nước ta” nhằm mục đích giúp cho cán bộ Việt Minh có thêm tài liệu để truyền bá, vận động quần chúng nhân dân tham gia chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng khi thời cơ đến.
Với 208 câu thơ lục bát, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tóm tắt một cách cô đọng lịch sử dân tộc từ ngày tổ tiên dựng nước đến trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám (tức từ khoảng hàng nghìn năm trước Công nguyên đến năm 1941).
Bìa tác phẩm “80 năm tác phẩm Lịch sử nước ta (1942 - 2022)”. |
Có thể thấy, trên cơ sở giá trị khoa học lịch sử, tác phẩm “Lịch sử nước ta” đã làm nổi bật quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, góp phần tuyên truyền, giác ngộ, thức tỉnh và thúc đẩy tinh thần đoàn kết, yêu nước, đồng tâm hiệp lực đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số nội dung: Bối cảnh ra đời; giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Lịch sử nước ta”; bài học kinh nghiệm về đại đoàn kết dân tộc; về tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”; quá trình xuất bản, bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị tác phẩm “Lịch sử nước ta”; những gợi mở về phương pháp giảng dạy và học tập môn học Lịch sử trong các bậc học ở nước ta hiện nay từ việc nghiên cứu tác phẩm “Lịch sử nước ta”.
Tin, ảnh: GIA KHÁNH
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113.