Giám sát thực hiện chính sách cho người lao động ngành Dệt may Việt Nam

Công đoàn Dệt may Việt Nam (CĐ DMVN) hiện quản lý trực tiếp 116 CĐCS với tổng số 104.849 đoàn viên công đoàn. Việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) luôn được CĐ DMVN chú trọng chăm lo, tạo sức hút để NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn.

Giám sát thực hiện chính sách cho người lao động ngành Dệt may Việt Nam

Đoàn viên, NLĐ Công ty CP Dệt may Phú Hòa An khám sức khỏe định kỳ lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: Công đoàn cơ sở

Số NLĐ được ký hợp đồng lao động đạt trên 98%

Trong số các CĐCS do CĐ DMVN quản lý có 12 đơn vị có vốn Tập đoàn Dệt may Việt Nam chi phối 100%; 82 đơn vị là CTCP; 11 đơn vị là công ty TNHH, 3 công ty liên doanh với nước ngoài; 8 đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp.

Năm 2024, toàn hệ thống có 106 đơn vị có TƯLĐTT cơ sở. CĐ DMVN đã hướng dẫn CĐCS đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động để xác lập các bản TƯLĐTT có điều khoản cao hơn luật về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, chế độ cho lao động nữ, đảm bảo ATVSLĐ. Kết quả, trong kỳ có thêm 14 bản TƯLĐTT được ký gia hạn, ký lại, nâng tổng số TƯLĐTT đạt loại B lên 11 bản.

CĐ DMVN đã thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ VI với Hiệp hội DMVN. Theo đó, đã xác lập được một số nội dung mới cao hơn luật gồm nâng mức ăn giữa ca của từng vùng lên 2.000 đồng/bữa; tặng quà cho NLĐ nữ vào ngày 8.3 và 20.10 mỗi ngày ít nhất 50.000 đồng; hỗ trợ tiền gửi trẻ cho NLĐ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi tối thiểu 50.000 đồng/tháng và mở rộng phạm vi tham gia TƯLĐTT ngành đối với các doanh nghiệp chỉ thuộc CĐ DMVN hoặc chỉ thuộc Hiệp hội DMVN nhằm tăng độ bao phủ của TƯLĐTT ngành trong thời gian tới.

Bảo vệ NLĐ bằng giám sát thực hiện chế độ, chính sách

Toàn hệ thống đã tổ chức 19 cuộc kiểm tra, giám sát về chế độ, chính sách cho NLĐ. Qua kiểm tra, phần lớn các đơn vị thực hiện tốt chế độ chính sách cho NLĐ. Số NLĐ được ký Hợp đồng lao động đạt trên 98% (số còn lại thuộc diện thử việc, học việc); 100% doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ. Số lao động tham gia BHXH chiếm 98%; 2% không thuộc đối tượng đóng BHXH do đang nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc đã hưởng chế độ hưu trí nhưng thỏa thuận ký hợp đồng khoán việc với doanh nghiệp. Trên 95% các đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ.

Một nội dung được các đoàn viên, NLĐ quan tâm và bày tỏ sự hài lòng với vai trò của tổ chức CĐ là việc cải thiện chất lượng bữa ăn ca. Năm 2024, có 8 CĐCS đề xuất người sử dụng lao động tăng mức ăn ca theo Kết luận số 03/KL-Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, đạt 160% chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN giao. Hiện mức ăn bình quân của các đơn vị Vùng I và II đạt 27.500 đồng/suất; vùng III và IV đạt 23.500 đồng/suất.

Một số doanh nghiệp đơn vị khối hành chính sự nghiệp không tổ chức bếp ăn đã hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ, chi trả hằng tháng vào cùng kỳ trả lương với mức từ 40 - 55.000 đồng/bữa. Một số đơn vị phục vụ giải khát những ngày nắng nóng, tổ chức ăn sáng miễn phí, có chế độ bồi dưỡng cho mẹ bầu, NLĐ ốm đau, làm việc khu vực độc hại, làm ca đêm...

Để việc giám sát thực hiện chế độ có hiệu quả, CĐ DMVN còn chú trọng tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, NLĐ để mỗi người có thể tự phát hiện, bảo vệ bản thân khi quyền lợi bị vi phạm.

Toàn hệ thống đã tư vấn cho 16.650 NLĐ những kiến thức pháp luật cơ bản như giao kết hợp đồng, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ BHXH ốm đau, thai sản... Trong đó cấp ngành tư vấn trực tiếp cho 24 lượt NLĐ liên quan đến giải quyết chế độ khi ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; tổ chức 62 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp với các cuộc tuyên truyền chung cho 45.260 lượt NLĐ.

CĐ DMVN cũng duy trì hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật, đăng tải các tình huống pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử, hệ thống Email để cán bộ CĐ tham khảo và phổ biến đến NLĐ.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...