Tạo động lực cho tăng trưởng
Theo ước tính, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2024 của Sơn La tăng 28,3%, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 35,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%.
Ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế của Sơn La. Ảnh: CTV |
Năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp sản xuất của tỉnh Sơn La tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Đá xây dựng tăng 3,12%; sữa tươi tiệt trùng tăng 5,71%; tinh bột sắn tăng 20,25%; chè sơ chế tăng 5,36%; nước máy thương phẩm tăng 9,46%; điện sản xuất tăng 35,66%. Riêng xi măng giảm 2,08%; đường kính giảm 7,4%.
Nói về thành công của ngành công nghiệp trong năm 2024, ông Nguyễn Văn Bắc – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La - chia sẻ: Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, để phát triển lĩnh vực công nghiệp, thời gian qua, ngành công Thương đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành cùng các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển tích cực, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương Sơn La đã tham mưu rà soát tổng thể thực trạng các cơ sở chế biến, vùng nguyên liệu nông sản trên địa bàn toàn tỉnh, tham mưu với UBND tỉnh trình ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tham mưu với UBND tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh Sơn La. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Sở Công Thương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn.
Sơn La tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản. Ảnh: TH |
Đồng thời, Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Mai Sơn và các sở ngành, đơn vị liên quan tích cực thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm năng, năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu….
“Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai đầu tư các dự án: Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy; Nhà máy đóng gói và chế biến hoa quả Solas; Tổ hợp Nhà máy sản xuất Thức ăn chăn nuôi và Chế biến nông sản Mavin Mai Sơn; Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La”- ông Nguyễn Văn Bắc cho hay.
Cùng với đó, Sở đã chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành rà soát tình hình phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, giải quyết các vướng mắc trong quản lý cụm công nghiệp, đồng thời tham mưu xây dựng quy chế quản lý 2 cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Nghiên cứu xây dựng phương án phát triển các cụm công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Sơn La định hướng phát triển 15 cụm công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, hiện đã có 2 cụm đang hoạt động và được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gồm: Cụm công nghiệp Gia Phù và cụm công nghiệp Mộc Châu. Đồng thời, tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp có tiềm năng (cụm công nghiệp tại các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Thuận Châu), tham mưu thành lập Hội đồng để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.Tích cực giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến như: các dự án chế biến nông sản Doveco, chế biến cà phê, tinh bột sắn, chế biến sữa,...
Công nghiệp sản xuất điện tiếp tục được quan tâm và khẳng định được vai trò trọng yếu. Ngành Công Thương đã tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, phát triển năng lượng như: Rà soát quy hoạch các dự án điện gió, thủy điện nhỏ; tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án; rà soát, kiểm tra, quản lý chất lượng công trình, quản lý an toàn đập, hồ chứa các thủy điện nhỏ; chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, các tồn tại hạn chế, giải quyết các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho các nhà máy hoạt động sản suất hiệu quả.
“Trong giai đoạn 2021 - 2024, có 8 nhà máy Thủy điện nhỏ đi vào hoạt động với công suất 125,95 MW. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3 nhà máy thủy điện lớn: Thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến I, Thủy điện Huội Quảng, tổng công suất 3.120 MW và 57 Thủy điện nhỏ với tổng công suất 670,05 MW”- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La thông tin.
Tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt của công nghiệp chế biến, chế tạo
Năm 2025, ngành Công Thương Sơn La đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành bằng 95% so với năm 2024. Lý giải về chỉ tiêu này, ông Nguyễn Văn Bắc cho hay, năm 2024, ảnh hưởng của La Nina nước về các hồ thủy điện trong 6 tháng cuối năm cao hơn nhiều so với năm 2023, đa số các thủy điện đều thừa nước và phát tối đa công suất. Do vậy, đã góp phần vào tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp Sơn La trong năm 2024.
Dự án Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc đi vào hoạt động đã góp phần vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Sơn La. Ảnh: Thu Hường |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bắc, trong năm 2025, Sơn La tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất nhất là các sản phẩm công nghiệp chế biến sâu, gắn với xây dựng thương hiệu tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư như Nhà máy Chế biến quả, dược liệu của Tập đoàn TH, nhà máy của tập đoàn ICFoods tại Vân Hồ, Nhà máy Chế biến quả xuất khẩu Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu), Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Đồng Giao tại Mai Sơn (Doveco); Nhà máy Chế biến cà phê Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn…
Đồng thời, khai thác tốt thế mạnh về năng lượng tái tạo; chú trọng phát triển bền vững thủy điện, quan tâm phát triển điện gió, kết hợp với giữ nước, giữ rừng, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tiếp tục triển khai Chương trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La để đảm bảo đạt chỉ tiêu tỷ lệ số hộ được dùng điện sinh hoạt theo kế hoạch đề ra.
Tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, gắn với khai thác tiềm năng các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ đầu tư khai thác hiệu quả công suất các nhà máy chế biến lớn trên địa bàn.
Phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ là cơ quan quản lý về công nghiệp tại địa phương. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các ngành nghề thủ công truyền thống...